Nổi danh với chiếc tàu ngầm Yết Kiêu 1 do tự mình sáng chế, ông Phan Bội Trân (tên thật là Phan Bộ An, Việt kiều Pháp) dần được các nhà khoa học trong nước và dư luận biết tiếng. Chưa dừng lại với chiếc tàu ngầm mini trên, ông tiếp tục sáng chế ra những sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, mang lại tiếng vang cho trí tuệ Việt trên trường quốc tế.
Mô hình tàu lặn ông Trân chuẩn bị sản xuất số lượng lớn cho đối tác Thái Lan. Từ tàu ngầm Yết Kiêu 1
Về nước gần chục năm, ông Trân dùng số vốn ít ỏi của mình lao vào nghiên cứu những sản phẩm công nghệ phức tạp. Lúc nghe tin ông làm tàu ngầm, ai cũng không tin một người đã lục tuần như ông lại có thể làm được thứ mà chỉ những nước có nền công nghệ hàng đầu thế giới mới làm được. Tuy nhiên, khi chiếc tàu ngầm mang tên một vị tướng tài ba – Yết Kiêu – thử nghiệm thành công, ai cũng phải bái phục trước kiến thức, ý chí và quyết tâm của một nhà khoa học hết lòng vì quê hương, đất nước. Năm trước, khi chúng tôi đến xưởng, chiếc tàu ngầm Yết Kiêu đã được ông cho vào thùng gỗ, niêm phong lại. Chúng tôi hỏi ông, có tiếc với số vốn đầu tư vào chiếc tàu mà chưa lại hiệu quả gì không, ông cười hiền, nói là không tiếc. “Mình làm vậy để thế hệ con cháu biết rằng, người Việt mình có thể làm được nhiều thứ phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao nếu chịu khó nghiên cứu, học hỏi”. Sau thành công bước đầu đó, ông đã hợp tác với các cơ quan chuyên môn quân đội, phát triển thêm những tính năng của tàu ngầm Yết Kiêu 1. Song song với quá trình tìm tòi phát triển tàu ngầm, ông nghiên cứu sản xuất các sản phẩm khác phục vụ cho dân sinh. Trong nhà xưởng rộng chừng 300m2 thuê lại của một người quen tại quận Bình Tân (TPHCM), ông Trân mày mò nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm độc và lạ. Có dạo, ông mua về một chiếc xe Dyland rồi mổ xẻ, chế lại thành một chiếc xe để mẹ chở con đi đường khỏi bụi. Chiếc nón bảo hiểm to bằng cái nồi cơm điện, nặng trịch, ông mua về, cải tiến thành chiếc mũ lái phi công. Biết tính năng ưu việt của vật liệu composite, ông tận dụng để chế tạo nhiều sản phẩm kích cỡ lớn. Chiếc thuyền 2 thân, màu trắng, sáng loáng được ông chế ra, biến thành một chiếc tàu nổi trên sông. Căn nhà xưởng dần chật chội với chi chít máy móc, thiết bị. “Nó ngốn của tôi mớ tiền đấy, nhưng tôi không tiếc, đó chính là những thứ để tôi có thể cải biến thành sản phẩm có ích trong tương lai”, ông nói. Nghiên cứu, chế tạo nhiều là thế nhưng chưa có sản phẩm nào được ông thương mại hóa thành công, chúng tôi thắc mắc, ông lấy tiền đâu trả thuê xưởng, trả lương nhân công, mua nguyên vật liệu thì ông cho biết, ngoài những sản phẩm trên, ông còn nghiên cứu, chế tạo tóc nhân tạo cho các đối tác tại Pháp. Loại tóc này, ông xuất sang để người ta gắn vào các manơcanh trưng bày tại các cửa hàng thời trang. Giá bán mỗi bộ tóc giả này không hề rẻ, nên đó là nguồn thu chủ yếu để ông nuôi sống gia đình, tích lũy nghiên cứu sản phẩm mới liên tục. Vốn là một chuyên gia về tàu ngầm tại Pháp và là chuyên gia về vật liệu hàng không, chế tạo trực thăng nên ông rất giỏi về công nghệ vật liệu mới. Trong nhà xưởng của ông, thứ người ta nhìn thấy nhiều nhất ngoài máy móc là các bao đựng nguyên liệu composite. Ông nói, vật liệu này chính là cách mạng trong ngành vật liệu hiện đại. “Nó có thể được nung lên, cho vào khuôn rồi đúc ra những gì mình muốn. Ngoài việc tạo ra các sản phẩm hình thức đẹp, composite còn bền chắc hơn cả thép. Tàu ngầm Yết Kiêu 1 mà tôi chế ra chủ yếu làm từ vật liệu này và đã thu được thành công”, ông cho biết.
Cơ duyên với tàu lặn du lịch biển Vốn là một kỹ sư nên nghiên cứu, chế tạo đã ăn sâu vào máu ông. Cách đây gần 6 năm, khi đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 1, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu lặn. Ban đầu, ông định chế tạo tàu lặn cho mục đích quân sự nhưng sau dần chuyển sang dân sự và do chưa nắm được nhu cầu thị trường nên ông còn dè dặt. Ông có rất nhiều bạn bè. Trong số này, có một người lập công ty nghiên cứu, môi giới bán những sản phẩm cơ khí, công nghệ cho các nước tại Châu Á, Đông Nam Á. Qua khảo sát, công ty này nhận thấy nhu cầu sử dụng tàu lặn mini của các công ty du lịch tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan… rất lớn nên nói ông cung cấp mẫu, thông số kỹ thuật để họ tiếp thị, bán hàng giúp. Rồi vận may cũng mỉm cười với ông khi đối tác nhận thấy sự hữu ích của sản phẩm tàu lặn mini nên đặt hàng. Ban đầu, một công ty du lịch của Malaysia đặt hàng ông làm 25 chiếc tàu lặn phục vụ du lịch biển. Nhận đơn hàng, ông vội thu xếp máy móc, công cụ và nhân công sang Malaysia sản xuất. “Sản phẩm tàu lặn chưa có mã số hàng hóa nên chưa thể sản xuất trong nước để xuất khẩu, do đó tôi phải sang thuê xưởng, sản xuất cho người ta. Điều này khiến chi phí sản phẩm lên cao, cộng với 30% số tiền trích cho nhà môi giới nên lợi nhuận thu lại không là bao”, ông Trân thổ lộ. Sau đơn hàng thành công cho đối tác Malaysia, nhà môi giới lại lấy về cho ông một đơn hàng “khủng”. Nhiều công ty du lịch Thái Lan do không trang bị tàu lặn nên bị mất khách. Họ tìm cách mua bằng được thứ sản phẩm này. Với đơn giá dao động trong khoảng 5.000 USD cho một chiếc tàu lặn gọn nhẹ, cơ động, mẫu mã đẹp, hiệu quả và đã được kiểm chứng, đối tác này không ngần ngại đặt hàng đến 300 chiếc. “Đơn hàng được bên môi giới gửi cho tôi cách đây khoảng 10 ngày. Những thông số của sản phẩm tàu lặn lần này cũng tương tự như loại tôi làm cho Malaysia nên khá thuận lợi. Dự kiến, sau khi thu xếp được những điều khoản phụ trong hợp đồng, tôi sẽ sang Thái để làm tàu cho đối tác”, ông Trân vui mừng thuật lại. Nói sơ lược về chiếc tàu lặn của mình, ông nói: “Tàu có chiều dài khoảng 2m, cao 1,8m, rộng 70cm. Bên trong tàu được bố trí động cơ điện, có công tắc điều khiển. Khi tàu nổi lên, người sử dụng chỉ cần cúi người rồi chui vào bên trong. Lúc này, chỉ cần mở công tắc, họ sẽ hít thở bằng không khí từ những bình khí nén. Tàu sẽ được cố định bằng một chiếc phao để khống chế không cho lặn quá sâu (khoảng hơn 2m) và di chuyển đến phía trước, không thể chạy lùi. Để sang trái, phải, người sử dụng chỉ cần lái tay lái y như lái xe đạp. Do là loại chỉ phục vụ du lịch nên tầm hoạt động khoảng 500m. Toàn bộ kết cấu tàu bằng composite, sơn màu vàng”. Điều khiến ông Trân rất vui mừng là sản phẩm của ông đã được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế. “Trước mắt là 300 chiếc, nếu thấy tốt, đối tác này có thể đặt thêm những đơn hàng song song. Ngoài ra, phía Indonesia cũng đã chú ý đến sản phẩm tàu lặn này và trong tương lai gần sẽ có động thái hợp tác”, ông Trân cho biết thêm. Bên cạnh sản phẩm tàu lặn phục vụ du lịch biển, ông còn đang ấp ủ ý định phát triển một phiên bản tàu lặn chuyên chở hàng theo cùng nguyên lý. Tuy gặt hái những thành công ban đầu từ những sản phẩm phục vụ dân sinh nhưng ông Trân vẫn nung nấu quyết tâm sản xuất những sản phẩm phục vụ cho quân đội. “Tôi đang có ý tưởng sản xuất những vũ khí, khí tài cho quốc phòng rất táo bạo nhưng khả thi. Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ tập trung cho những sản phẩm dân sinh, từ đó tích lũy dần vốn, kỹ thuật để làm những sản phẩm mà tôi mong ước vì dù sao, tôi cũng là người Việt Nam”, cha đẻ tàu ngầm Yết Kiêu khẳng định chắc nịch. |
Theo Lao Động