Cha mẹ nuôi con không quản khó khăn, khổ cực, chỉ mong con lớn lên được hạnh phúc. Thế nhưng lại có những người con đếm từng ngày nuôi cha mẹ mình.
Cách đây không lâu, bác Từ cảm thấy không khỏe, qua thăm khám, bác sĩ cho biết bác Từ bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn sống được nhiều nhất là 2 tháng. Con gái út của bác ở bên cạnh nghe vậy thì bật khóc nức nở, người cha già cũng có chút nghĩ ngợi trong đầu.
Được biết, bác đã 71 tuổi, có ba người con, hai trai một gái, con gái là út nhưng lại thiệt thòi, ít được cha thương yêu nhất. Ngày trước vợ bác ra đi sớm do tai nạn giao thông, năm đó bác mới 46 tuổi, từ ngày đó một mình bác vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi ba đứa con lớn khôn.
Chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, bác Từ đặt tất cả hy vọng vào 2 đứa con trai, mong sau này khi về già sẽ được con trai chăm sóc. Bác còn nói sẽ để dành hết khoản tiền tiết kiệm chắt móp cả cuộc đời cho 2 người con trai.
Với đứa con gái, bác vẫn đối xử bình thường nhưng bác cho rằng con gái mai sau cũng đi lấy chồng, là con nhà người khác nên không thể nhờ vả gì.
Tiếc rằng cả hai đứa con trai của bác Từ đều không như bác mong đợi. Con trai lớn tốt nghiệp cấp 3 thì tới thành phố làm việc, vốn trước đó không kiếm được bao nhiêu, giờ lại thất nghiệp, nuôi thân mình còn khó.
Mỗi lần về, người con cả lại xin cha mớ rau, chục trứng, còn trách cha sao lại sinh ra con, để nhà giàu không sinh ra con có phải tốt hơn không. Những lời này trở thành những lưỡi dao vô hình đâm vào tim bác Từ.
Con trai thứ hai của bác thì tốt nghiệp một trường đại học trọng điểm, ra trường cũng tìm được công việc tốt, lương tháng mấy chục nghìn đô. Tuy nhiên người này tính tình lại rất keo kiệt, lúc nào cũng tỵ nạnh với anh em trong nhà, cho rằng cha lén cho tiền họ.
Hai người con trai đều đã lớn nhưng lại suốt ngày về hỏi tiền cha, cho rằng cha lén lút cho tiền người này người kia, làm bác từ đau đầu không thôi.
May sao bác còn đứa con gái nhỏ hiếu thuận, biết chăm sóc cho gia đình lại ngoan ngoãn nghe lời, không bao giờ đòi hỏi điều gì. Cô lấy chồng gần nhà, là một thanh niên chăm chỉ tháo vát nhưng bác Từ lại là người gia trưởng, lúc nào cũng hời hợt với con gái và con rể.
Kể từ khi bác Từ bị bệnh, hai đứa con trai rất chăm gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình, thế nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy ló mặt về nhà. Mọi việc chăm sóc cha đều do người con gái một tay lo liệu.
Nhìn con gái mình như vậy, bác càng thêm trăn trở, trong lòng ý vị khó nói. Người cùng phòng cho rằng bác Từ có phước, có một đứa con gái ngoan như vậy, bác nghe thấy cũng chỉ cười, không nói gì.
Đến khi bệnh tình ngày càng trở nặng, nghe tin cha bị bệnh viện trả về, không sống được bao lâu nữa thì 2 người con trai mới chịu về. Thế nhưng chưa chăm cha được ngày nào, hai người này đã yêu cầu ông phải công khai di chúc. Nhìn gương mặt của hai con, lòng bác Từ hiện lên nỗi ăn năn, đây chính là 2 người con trai mà ông đã yêu thương, chăm sóc mấy chục năm qua.
Bác Từ khó nhọc nói từng lời, căn dặn để cho con trai cả 200 triệu, bác nói đây là số tiền mình đã để cả đời để tích góp. Người con cả nghe vậy thì mừng rỡ, cầm lấy cuốn sổ tiết kiệm rồi ra về luôn, không thèm quay đầu lại nhìn cha thêm lần nào.
Đến người con thứ hai, bác nói để lại cho người này căn nhà và miếng đất. Tuy hiện tại giá trị nó không nhiều nhưng biết đâu vài năm nữa con mình có thể dùng tới. Người con thứ bày tỏ hài lòng với quyết định này.
Gọi người con gái thứ ba tới gần, bác Từ chỉ nói “Phần con là rổ trứng phía sau nhà”. Cô con gái nghe vậy cũng không phản đối hay cảm thấy bất công gì, với cô, dù có ra sao thì cha vẫn là cha mình.
Sau khi bác Từ qua đời, hai người anh trai giao việc tang lễ cho em gái. Lo hậu sự đâu đấy, cô bắt tay dọn đồ đạc, vì nhà giờ đã là của anh thứ hai. Về đến nhà mới, cô con gái lựa những quả trứng còn tươi, còn ăn được. Đến cuối bỗng chạm vào một lá thư và một chiếc thẻ ngân hàng. Trong lá thư, nét chữ của cha cô rõ ràng:
“Con của cha, cha biết rằng những năm qua cha đã vô lý với con, chỉ vì con không phải là con trai.
Cha đã nghĩ các anh của con sẽ trưởng thành và khi về già cha có thể nương tựa vào chúng. Nhưng cha đã sai rồi, đây là số tiền ngày xưa người ta bồi thường cho tai nạn của mẹ. Dù cực khổ hay thiếu thốn, cha đã thề không bao giờ rút ra 1 đồng nào. Nó sẽ giúp cuộc sống sau này của con nhàn nhã hơn rất nhiều, hãy làm điều mà con thích.
Khi cha gặp mẹ con, cha sẽ không xấu hổ với bà ấy. Cha đối xử tệ bạc với con nhưng con đã luôn rất hiếu thảo, cha có lỗi với con thì chỉ có thể bù đắp cho con bằng cách này thôi, nếu có kiếp sau cha mong cha lại được làm cha của con. Cám ơn con vì đã làm con của cha.”
Đọc xong bức thư, nước mắt của cô tuôn rơi, cô nào nỡ trách cha mình, chỉ buồn vì cha không sống đời với con, để con có thể báo đáp những ngày cha đã vất vả nuôi con khôn lớn.
Theo Webtretho