Tinh Hoa

CEO 9X của ứng dụng quản lý chi tiêu theo đuổi mô hình fintech

Ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân Money Lover của Ngô Xuân Huy giúp người dùng theo dõi các giao dịch qua tài khoản ngân hàng và tự động nhắc nhở, cảnh báo khi thấy mức chi vượt kế hoạch.

Money Lover đang theo đuổi mô hình công nghệ tài chính (fintech) đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng.

Huy cho biết, ý tưởng xây dựng ứng dụng Money Lover xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân. Mặc dù trên thị trường có nhiều ứng dụng liên quan đến quản lý chi tiêu nhưng hầu hết đều dành cho những người có nhu cầu chi tiêu lớn, trong khi Huy muốn có thể thường xuyên ghi chép các khoản lặt vặt hàng ngày với giá trị rất nhỏ như một cốc trà đá. Ngoài ra, các sản phẩm phát triển trên máy tính, không mang lại trải nghiệm tốt trên điện thoại.

Do đó, ông chủ 9X phát triển Money Lover với mong muốn xây dựng ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại thông minh đơn giản và phù hợp với đa số người dùng.

Sau khi có sản phẩm để dùng cho bản thân, Huy đồng thời đưa Money Lover lên Google Play để chia sẻ miễn phí cho những người sử dụng thiết bị Android khác. Dự án của Huy đã đánh trúng nhu cầu của số đông người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện tại, ứng dụng quản lý chi tiêu cá nhân Money Lover của Ngô Xuân Huy có gần 8 triệu lượt tải trên toàn cầu, với 34 phiên bản ngôn ngữ.

CEO 9X – Ngôi Xuân Huy (thứ 3, hàng sau từ phải sang) và cộng sự.

Dự án của chàng trai sinh năm 1990 vận hành từ năm 2013 và phát triển mạnh nhất trong 2016. “Money Lover tăng trưởng hơn 5 lần về cả số lượng người dùng và doanh thu so với năm 2015”, Huy chia sẻ.

Từ 5 thành viên ban đầu, đến nay, đơn vị có 20 người. Với bộ phận xây dựng và thiết kế sản phẩm, vận hành, marketing…, startup công nghệ này đang chuẩn bị những bước cần thiết cho định hướng mới – theo đuổi mô hình fintech (công ty khởi nghiệp công nghệ về lĩnh vực tài chính) hàng đầu tại Việt Nam.

Theo CEO trẻ tuổi, các ngân hàng đang chuyển dịch sang ngân hàng số, mở ra cơ hội hợp lớn giữa ngân hàng và các công ty fintech nói chung, trong đó có Money Lover.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy không thể dừng lại ở việc làm ứng dụng Mobile Apps, mà cần hợp tác sâu hơn với ngân hàng, cổng thanh toán, xây dựng các giải pháp cho người dùng cuối là khách hàng của chính ngân hàng”, Huy nói.

Theo đó, quản lý chi tiêu – tính năng ban đầu vẫn là xương sống của ứng dụng Money Lover. Ngoài thao tác nhập tay, ứng dụng nhập tự động khi người dùng chi tiêu từ nhiều nguồn khác nhau như SMS, hóa đơn, email, tự động theo dõi các giao dịch qua tài khoản ngân hàng như thanh toán, chuyển khoản hay quẹt thẻ. Money Lover tự ghi lại và phân loại.

Làm được điều này, theo Huy, sản phẩm sử dụng “công nghệ học máy” để nhận dạng mọi loại hình giao dịch như ăn uống, xem phim, di chuyển… Nhờ đó, người dùng gần như không cần bất kể thao tác gì vẫn có báo cáo chi tiết theo ngày, tháng, quý, năm.

Với hệ thống “trí tuệ nhân tạo”, thông qua hành vi tiêu dùng của người dùng, Money Lover sẽ tự động nhắc nhở, cảnh báo khi thấy người dùng đang có xu hướng chi vượt mức kế hoạch, giúp họ nhanh chóng điều chỉnh hành vi tiêu dùng.

Money Lover đang hợp tác sâu hơn với ngân hàng, cổng thanh toán để phát triển các dịch vụ, sản phẩm như tự động quản lý giao dịch, các khoản tiết kiệm; đồng thời có thể giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đến khách hàng một cách thông minh và đúng ngữ cảnh hơn.

Ví dụ, một người có nhu cầu tiết kiệm, ứng dụng có thể gợi ý hoặc lên kế hoạch cho nhu cầu của từng người; hoặc nhắc nhớ tiết kiệm theo thời hạn đã đặt ra.

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, chàng sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đã nhắm đến thị trường quốc tế, bởi không nhiều người dùng Việt Nam có thói quen dùng Apps trả phí.

Hiện doanh thu của Money Lover chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài. Dù vậy, chàng trai 9X cho biết, thị trường nội địa vẫn rất tiềm năng, do dân số Việt Nam khá trẻ, những ai bắt đầu đi làm đều có nhu cầu quản lý tài chính.

Bên cạnh việc liên kết đối tác là các tổ chức tín dụng, Money Lover đang trong quá trình cập nhật tính năng mới nhằm tự động hóa mọi thao tác, tiến tới xây dựng và giáo dục thói quen quản lý tài chính cá nhân cho người dùng.

“Đối tượng khách hàng dùng nhiều nhất là 22-30 tuổi. Đây là độ tuổi bắt đầu đi làm, có thu nhập, họ có nhiều mục tiêu, kế hoạch cho tương lai. Trước mắt, chúng tôi tập trung phục vụ đối tượng có nhu cầu lớn nhất, sau đó mới mở rộng đối tượng khác”, Huy chia sẻ.

Thời gian tới, Huy và cộng sự tiếp tục mở rộng thị trường và gia tăng số lượng người dùng tại nhiều châu lục. Đông Nam Á sẽ là mục tiêu chính. Trong đó, Thái Lan và Indonesia là bàn đạp để Money Lover dần tăng thị phần tại khu vực hơn 600 triệu dân.

 Theo vnexpress.net