Cây phất trần trong Phật gia và Đạo gia rốt cuộc có hàm nghĩa gì?
Trong các tác phẩm văn học hay điện ảnh cổ xưa, chúng ta thường thấy các lão đạo sĩ hay hòa thượng thường cầm trên tay cây phất trần. Vậy công dụng và hàm nghĩa của nó là gì?
Trong sách “Từ Nguyên” có ghi chép lại: “Phất trần hay còn gọi là phất tử, chuyên dùng để phủi bụi, đuổi muỗi. Thời xưa người ta thường dùng lông đuôi hươu để làm nó, bây giờ thì chủ yếu dùng lông đuôi ngựa“. Tuy nhiên, sách “Từ Nguyên” là được viết vào năm 1908, vậy chúng ta hãy ngược dòng thời gian xa hơn để tìm hiểu xem trong văn hóa xưa phất trần thật sự có hàm nghĩa gì.
Hơn 1000 năm trước, trong “Tống Thư” có ghi chép lại: “Phất trần nhẹ như mây, màu sắc như bạc, lấp lánh tỏa kim quang”. Từ câu này có thể thấy phất trần chính là đồ vật của Tiên gia.
Trong văn hóa Đạo gia, phất trần từng là pháp khí, cũng là vũ khí của Đạo gia. Trong rất nhiều vở kịch múa, thường thấy cảnh các lão đạo sĩ tóc bạc râu dài cầm cây phất trần truyền thụ võ công cho đệ tử. Trong các tiểu thuyết, các câu chuyện xưa, cũng thường gặp cảnh tượng thần tiên Đạo gia cầm pháp bảo phất trần trong tay.
Ví như đoạn Ngộ Không bái kiến Tổ sư trong tác phẩm “Tây Du Ký” có viết: “Không ngờ Tổ sư nghe xong tức giận nói: ‘Người đâu, lôi hắn ra ngoài!’. Các tiểu đạo sĩ đứng ở hai bên liền bước tới lôi con khỉ đá ra ngoài. Khỉ đá giãy giụa lớn tiếng nói: ‘Thả ta ra, ta thật sự là từ chỗ đó đến!’. Tổ sư vung phất trần lên nói: ‘Buông hắn ra. Ngươi nói mình là người Đông Thắng Thần Châu, mà Đông Thắng Thần Châu cách nơi này cả vạn dặm, ngăn cách bởi biển rộng mênh mông, làm sao ngươi có thể đến đây được?’”.
Trong “Tây Du Ký” cũng có đoạn miêu tả liên quan đến Thái Thượng Lão Quân như sau: “Yêu quái vừa nghe xong, lập tức hổn hển lao ra khỏi động. Ngộ Không lấy Kim Cô Bổng ra, vung lên đánh tới tấp. Yêu quái giơ gậy lên chống đỡ, hai bên đấu với nhau khoảng 20-30 hiệp, rồi đột nhiên yêu quái ném Kim Cang Trát ra, chụp Kim Cô Bổng của Tôn Ngộ Không lại. Thái Thượng Lão Quân trên không trung nhìn thấy, vội vàng vung cây phất trần, Kim Cang Trát lập tức bị thu về tay của ông”.
Một trong những pháp khí của Lã Động Tân trong Bát Tiên cũng chính là cây phất trần. Trong “Uyên Giám Loại Hàm” có câu chuyện như sau: Một ngày, Lã Động Tân thân mang Đồ Long bảo kiếm, lưng đeo hồ lô kim đan, tay cầm phất trần cán ngọc, dùng hình tượng đạo nhân vân du đến bờ Nam sông Hoàng Hà, gặp được Tào Quốc Cữu đến từ Biện Kinh, ông ấy muốn đến núi Chung Nam cầu tiên học đạo, lúc đó chuẩn bị lên thuyền qua sông. Lã Động Tân vung phất trần một cái, Tào Quốc Cữu vừa chớp mắt, liền cảm thấy gió thổi qua hai nách của mình, mở mắt ra nhìn thì thấy mình đã bay qua sông Hoàng Hà, rồi đáp xuống bờ Bắc.
Ngoài Đạo gia, thì Phật gia cũng vô cùng coi trọng cây phất trần. Truyền thuyết kể rằng khi Phật Thích Ca Mâu Ni hạ thế, Đại Phạm Thiên Vương tay cầm phất trần chuôi ngọc đi theo hầu hạ, vì thế cây phất trần màu trắng rất được xem trọng trong Phật gia.
Trong một số sách cổ của Phật gia như “Viên ngộ thiện sư ngữ lục”, cũng có thể thấy hình ảnh tăng nhân tay cầm phất trần. Trụ trì trong pháp môn Thiền tông tay thường cầm phất trần trong mỗi lần thuyết Pháp, vì thế phất trần cũng biểu tượng cho sự uy nghiêm.
Phật gia và Đạo gia gọi thế gian con người là “trần thế” (trong hán Việt chữ “trần” có nghĩa là bụi, trần thế tức là bụi thế gian), các danh sĩ trong lịch sử cũng thường dùng từ “trần” đề miêu tả thế gian, như trong “Tây đô phú” của Ban Cố viết: “Hồng trần bốn phía, mây khói nối liền”; trong “Độ môn tự” của Nguyên Chẩn viết: “Tâm dù hiểu rõ, trần thế khổ bập bùng”.
Có thể thấy phất trần trong văn hóa của Phật gia và Đạo gia không chỉ là pháp bảo thần uy, mà còn có nội hàm là phủi bụi trần, dẫn dắt thế nhân loại bỏ bụi trần, bước trên con đường tìm về chân ngã.
Lê Hiếu (Biên dịch)