Cây đèn dầu, biểu tượng một thời hồn quê Việt
Là người Việt Nam hẳn ai cũng biết đến hình ảnh chiếc đèn dầu chong cóc thắp sáng cho nhiều thế hệ học trò thuở cắp sách tới trường. Dù ngày nay cây đèn này không còn phổ biến như trước nữa, nhưng mỗi khi có dịp thắp nó lên, trong lòng mỗi người lại dâng trào lên nhiều cảm xúc khó tả.
Ở miền Tây Nam bộ, người dân quê có tục lập bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà. Để rồi cứ mỗi buổi chạng vạng tối, người ta ra đó thắp nhang, bái vọng mà rằng: “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Cây đèn chong cóc luôn xuất hiện trên chiếc bàn thờ Thiên ấy.
Trong nhà, trên bàn thờ gia tiên cũng vậy, chiếc đèn chong cóc nhỏ nhắn leo lét nhưng luôn cháy sáng. Dân gian quan niệm đèn cháy để hương hồn ông bà khỏi “lạnh”. Đèn cháy cũng thuận tiện cho việc thắp nhang tưởng niệm.
Đèn chong cóc cũng là vật dụng sinh hoạt dùng để thắp sáng không thể thiếu trong mỗi gia đình ở miền quê ngày trước. Nền kinh tế tự túc tự cấp xưa, nhất là ở các vùng quê xa xôi đâu phải như thị thành đèn điện sáng trưng. Đêm về bóng tối dày đặc, leo lét nhưng ngọn đèn đốt bằng dầu mù u, hay mỡ heo thắng. Sau này, có dầu lửa đèn cháy sáng hơn, ít khói hơn. Ngọn đèn chong cóc ấy đã thức cùng mẹ, cùng bà bao đêm để sàng gạo hay may vá áo quần cho con trẻ. Ngày làm đồng, cơm nước đâu còn thời gian, tối về chong đèn thao thức, …
“Đèn hết dầu đèn cháy tới tim/ Một ngày gá nghĩa cũng niềm phu thê” – Ca dao.
Cây đèn chong cóc cũng dõi theo từng câu từng chữ của các cô các cậu học trò thuở cắp sách. Chiếc đèn như một minh chứng cho công lao khổ luyện để thành người hữu dụng ở ngày mai.
Những đêm mưa đầu mùa, ếch nhái kêu râm ran, những chiếc đèn chong cóc theo chân người quảy giỏ tre ra đồng bắt ếch, nhái hay đón cá lên. Cả cánh đồng nhấp nhái ánh đèn khi mờ, khi tỏ, … in đậm ký ức của những ai đã từng sống và trải qua với nó.
Chiếc đèn chong cóc rất đơn giản. Mua ngoài chợ thì phần dưới làm bằng thủy tinh chứa dầu lửa, trên có họng đèn, giữa họng là tim đèn, tìm (bấc đèn) làm bẳng may mùng hay chỉ để dẫn dầu lên. Phía trên tránh gió lùa, đèn tắt người ta chế tạo thêm ống khói cũng bằng thủy tinh nhưng mỏng như kiếng để đậy, chắn gió.
Đèn chong cóc cũng có thể được người bình dân tự chế từ cái keo chao, cái lon thiếc đã xài hết vật dựng bên trong. Cuốn miếng thiếc làm họng đèn, làm thêm nắp đậy nữa là xong. Đèn từ chế thường không có ống khói, hoặc ống khói cũng làm bằng các chai thủy tinh được cắt ra bởi bằng tay khéo léo của người dân quê.
Ngày nay, khi điện về khắp tận thôn xóm miền quê, cây đèn dầu chong cóc chỉ còn có mặt trên bàn thờ của một số chủ nhân muốn giữ lại chút dấu xưa nghĩa cũ. Phần lớn, người ta đã thay đèn chong cóc bằng đèn điện, bởi nó sang trọng và sạch sẽ hơn. Chút luyến nhớ hình bóng chiếc đèn chong cóc ngày xa xưa ấy vẫn cứ buâng khuâng.
Theo Dân Việt