Các nhà khoa học đã phát hiện một mạng lưới nấm lớn, có khả năng truyền đi thông điệp bí mật giữa các loại cây, kích thích sự chia sẻ chất dinh dưỡng và nước giữa các loài thực vật mỗi khi có nhu cầu.
Điều này cho thấy cũng giống như con người, cây cối là những sinh vật có tính xã hội cực kỳ cao, chúng phụ thuộc lẫn nhau vì sự sống còn của mình. Phát hiện gây kinh ngạc trên do giáo sư sinh thái học Suzanne Simard tìm ra.
Phát hiện ngôn ngữ thực vật
Sau khi các nhà khoa học khám phá ra rễ cây thông có thể chuyển carbon tới những cây thông khác trong phòng thí nghiệm, nhà sinh vật học Simard đã tìm hiểu chúng làm điều đó như thế nào.
Điều cô khám phá được là một mạng lưới rễ nâu tương tự như sợi tóc. Chúng chính là một siêu đường dẫn thông tin cho phép cây cối gửi thông điệp của mình đến các thành viên khác cùng loài, hoặc những loài có liên quan. Như vậy, cả khu rừng có thể hoạt động như một thể sinh mệnh duy nhất.
Ban đầu, ý tưởng được đưa ra về việc cây cối có thể chia sẻ thông tin dưới đất của Simard đã gây nên nhiều tranh cãi. Thậm chí một số đồng nghiệp còn cho rằng Simard bị điên. Đây cũng là điều gây nhiều khó khăn và trở ngại trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho công trình nghiên cứu của nhà sinh vật học này.
Cuối cùng Simard đã quyết định tự trồng 240 cây bạch dương, cây thông và tuyết tùng trong một khu rừng ở Canada.
Sau đó cô trùm bao nhựa lên các cây con và bơm đầy bao nhiều loại khí carbon khác nhau. Sau một giờ Simard tháo những cái túi ra, mở máy đếm Geiger và tiến hành quét lá. Lúc này, Simard nghe thấy âm thanh “đẹp nhất” mà mình mong đợi. Cô miêu tả trong Ted Talk rằng:
“… Đó là âm thanh của cây bạch dương nói chuyện với cây thông”, Simard cho hay.
“Cây bạch dương nói: ‘Này, tôi có thể giúp gì cho bạn?’”.
“Và cây thông trả lời, ‘bạn có thể gửi cho tôi một ít carbon không? Có ai đó đã trùm cái túi lên tôi’”.
Sau đó, cô cũng quét lá cây tuyết tùng nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Bởi nó đang trong thế giới riêng của mình và không được kết nối vào mạng lưới thông tin của cây bạch dương và cây thông.
Simard cho biết, giữa cây bạch dương và cây thông đã diễn ra cuộc trò chuyện hai chiều sôi động. Khi cây thông được tán cây bạch dương che bóng vào mùa hè, nó cũng nhận được nhiều carbon do cây bạch dương gửi tới. Đến mùa đông, khi cây bạch dương rụng hết lá, đến lượt cây thông gửi carbon sang. Simard nhận thấy hai loài cây này hoàn toàn phụ thuộc vào nhau, “giống như âm và dương”.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng cây cối cạnh tranh nhau về carbon, ánh sáng Mặt Trời, nước và các chất dinh dưỡng, nhưng nghiên cứu của Simard cho thấy giữa chúng còn có mối quan hệ cộng sinh.
Chúng đã truyền tải những tín hiệu hóa học và hoocmon bí ẩn cho nhau thông qua một hệ sợi để xác định cây nào cần nhiều carbon, nito, photpho, và cây nào có thể có thể gửi các dưỡng chất qua lại cho đến khi toàn bộ khu rừng đạt trạng thái cân bằng.
Cô cho biết thêm: “Mạng lưới dày đặc này có thể gồm hàng trăm kilomet sợi nấm dưới rễ cây”. Chúng sẽ kết nối cây mẹ với cây con và cho phép cây mẹ nuôi dưỡng cây non của mình. Nhờ đó, một cây mẹ có thể nuôi dưỡng hàng trăm cây nhỏ.
Thậm chí các cây mẹ còn có thể nhận ra họ hàng của mình, đó là những cây có thể cho chúng nhiều thông tin, carbon hơn. Đồng thời, cây mẹ có thể giảm kích thước gốc của mình để nhường chỗ cho cây con phát triển.
Nỗi lo lắng của Simard
Sự hiểu biết cách thức giao tiếp của thực vật đã làm Simard vô cùng lo lắng về những hệ lụy của việc chặt phá cây cối. Nói một cách cụ thể hơn, khi cây mẹ bị thương hoặc chết dần chúng sẽ truyền lại sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình cho thế hệ kế tiếp. Nhưng nếu cây mẹ bị chặt đi ngay lập tức, nó sẽ không thể làm điều này cho các con của mình.
“Bạn có thể lấy đi một, hai cây, nhưng phải có giới hạn. Bởi nếu bạn chặt hạ quá nhiều cây cối cùng một lúc, thì toàn bộ hệ thực vật sẽ bị hủy”, Simard nói.
Mặt khác, các khu rừng được trồng lại thường chỉ có 1-2 loài, với cấu trúc hệ sinh thái quá đơn giản này, những cái cây sẽ dễ bị sâu bệnh tấn công.
Đề xuất bảo vệ hệ sinh thái của Simard
Để đảm bảo sự sống còn cho hệ sinh thái trên Trái Đất, Simard đã đề xuất 4 giải pháp đơn giản để chấm dứt những thiệt hại cho việc đốn hạ cây cối, đó là:
- Hãy rời khỏi rừng và cảm nhận cuộc sống của chúng ta nếu không có cây cối sẽ như thế nào. Điều này sẽ nhắc nhở con người về sự phụ thuộc của mình với hệ sinh thái này.
- Hãy bảo vệ rừng già như một kho lưu trữ gen, cây mẹ và mạng lưới liên lạc của chúng.
- Trường hợp cần đốn hạ hoặc cắt giảm cây cối, hãy lưu lại cây “di sản”, để chúng có thể tiếp tục chuyển tải những thông tin quan trọng cho thế hệ tiếp theo.
- Hãy tạo ra nhiều giống loài khác từ các loài bản địa khác nhau.
Như vậy, rõ ràng giữa cây cối có sự giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt. Theo đó, để giữ vững sự ổn định của hệ sinh thái thực vật, chúng ta cần thực hiện tốt những đề xuất của nhà sinh vật học Suzanne Simard.
Uniwriter