Hôm 30/11, trên bầu trời Đài Bắc, Đài Loan, đã xuất hiện cầu vồng kéo dài tới 9 giờ, khiến một giáo sư phải thốt lên: “Đây thật sự là một phép lạ“.
Đài BBC hôm 4/12 cho biết, các giáo sư và sinh viên của trường Đại học Văn hóa Trung Quốc, vùng núi Đài Bắc – Đài Loan đã được thưởng thức hình ảnh cầu vồng tuyệt đẹp kéo dài gần như cả ngày.
Giáo sư Chou Kun-hsuan và Giáo sư Liu Ching-huang, thuộc khoa Khoa học khí quyển, cùng các sinh viên đã ghi lại cảnh tượng cầu vồng có một không hai này. Những quan sát, hình ảnh và video cho thấy cầu vồng kéo dài 8 giờ 58 phút, xuất hiện lúc 6h57 và biến mất lúc 15h55 ngày 30/11.
Ông Chou còn cho biết thêm, vào thời gian đó thật sự có 4 dải cầu vồng trên bầu trời, trong đó có 1 cầu vồng chính cùng 1 cầu vồng phụ hình thành do ánh sáng phản chiếu lên những giọt mưa. 2 cầu vồng phụ còn lại khó quan sát hơn.
“Thật tuyệt vời… Nó giống như một món quà từ bầu trời… Thật hiếm có!“, Giáo sư Chou nói. “Tôi đã rung động trước một cầu vồng kéo dài 6 tiếng đồng hồ, nhưng đây thật sự là một phép lạ khi được chiêm ngưỡng cầu vồng này“.
Trước đó, vào ngày 27/11, Giáo sư Chou cũng đã chứng kiến một cầu vồng xuất hiện trên bầu trời trong hơn 6 giờ.
Giáo sư Chou và nhóm cộng sự tin rằng cầu vồng xuất hiện hôm 30/11 đã lập một kỷ lục thế giới mới. “Với 10.000 bức ảnh chúng tôi chụp trong phòng thí nghiệm và các bức ảnh khác chụp ngoài khuôn viên trường, tôi tin rằng chúng tôi sẽ thiết lập kỷ lục Guinness mới“.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là cầu vồng xuất hiện lâu nhất, phá vỡ kỷ lục được ghi nhận ở hạt Yorkshire (Anh) vào ngày 14/3/1994. Cầu vồng này kéo dài 6 giờ, từ 9h đến 15h, theo sách kỷ lục Guinness thế giới. Theo trang web của Guinness, cầu vồng thường kéo dài ít hơn 1 giờ.
Cầu vồng xuất hiện lâu là do gió mùa Đông Bắc làm bốc hơi ẩm trong không khí, tạo thành các đám mây, trong điều kiện có ánh sáng Mặt Trời và tốc độ gió tương đối thấp, khoảng 2,5 – 5m/s. Điều kiện thời tiết như vậy khá phổ biến ở vùng núi Dương Minh Sơn, Đài Bắc vào mùa Đông.
Tú Văn (t/h)