Mới đây, một nhiếp ảnh gia đã may mắn bắt gặp và chụp lại được khoảnh khắc cầu vồng Mặt Trăng hiếm gặp và cực quang kỳ ảo cùng xuất hiện trên bầu trời đầy sao ở Scotland.
Hình ảnh cầu vồng Mặt Trăng kép xuất hiện đồng thời với cực quang dưới nền trời lấp lánh sao lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Giuseppe Petricca trên đảo Lewis, Scotland, Space hôm 12/12 đưa tin.
Nhiếp ảnh gia mang 2 dòng máu Mỹ – Italy chứng kiến hiện tượng hiếm có này vào ngày 7/11, Daily Mail cho biết.
“Giữa những đám mây đang trôi nhanh và những cơn mưa kéo dài vài phút, cầu vồng Mặt Trăng kỳ ảo xuất hiện, khi Mặt Trăng gần như tròn vành vạnh ló ra khỏi mây“, Petricca miêu tả.
Phía sau cầu vồng lộng lẫy là Bắc cực quang tỏa ánh sáng xanh nhạt trên nền trời đêm đầy sao. Bắc cực quang là những dải sáng sặc sỡ do các hạt mang điện từ Mặt Trời tương tác với các hạt trong tầng khí quyển trên cao của Trái Đất.
Giữa bức ảnh là mảng sao “Tam giác mùa hè” gồm ba ngôi sao sáng Vega, Deneb và Altair. Vega là ngôi sao sáng nhất, nằm phía trên cực quang. Deneb xuất hiện ở mép trên bức ảnh trong khi Altair nằm bên dưới cầu vồng, phía trên một đám mây.
“Tôi có thể miêu tả mãi về cảnh tượng khi đó, nhưng tôi nghĩ bức ảnh sẽ làm điều này tốt hơn. Đó là một cảm xúc không thể nào quên“, nhiếp ảnh gia sống ở Stornoway chia sẻ.
Cầu vồng Mặt Trăng, hay cầu vồng đêm, là cầu vồng xuất hiện do ánh sáng từ Mặt Trăng chứ không phải do ánh sáng Mặt Trời tạo ra. Cầu vồng Mặt Trăng rất hiếm gặp và chỉ xuất hiện khi Mặt Trăng tròn hoặc gần tròn vẫn ở vị trí thấp (ở độ cao chưa đến 42o).
Sở dĩ vào những ngày rằm mới xuất hiện cầu vồng Mặt Trăng là bởi ánh sáng Mặt Trăng chỉ là ánh sáng phản chiếu lại từ Mặt Trời, khi Trăng tròn thì ánh sáng mới đủ cường độ làm nên điều kỳ diệu. Tuy nhiên, ánh sáng của Trăng rằm yếu hơn nhiều so với Mặt Trời nên cầu vồng Mặt Trăng có cũng khó quan sát hơn rất nhiều.
Tú Văn (t/h)