Học ở trường chuyên cách nhà 90 km, cuối tháng hết tiền, Chung lại ăn mì tôm trộn cơm trắng. Để trang trải chi phí 4 năm đại học, cậu liên tục đi gia sư.
Một ngày sau lễ vinh danh thủ khoa xuất sắc, Đinh Xuân Chung (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) lên đường du học Hàn Quốc. Cậu được Quỹ Pony Chung đài thọ toàn bộ chi phí học lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Hàn Quốc trong 2 năm. Thành quả của thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc là chặng đường đầy gian nan, đòi hỏi nỗ lực của bản thân và cả hy sinh của các thành viên trong gia đình.
Sự cố gắng đó bắt đầu từ khi Chung còn là học sinh trường làng. Nhà nghèo, phía trước còn 4 anh chị nên cậu con út luôn tự học tập, không để ai nhắc nhở. Những năm trung học, Chung đều giành danh hiệu học sinh giỏi. Hết lớp 9, cậu thi đậu trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình).
Chung kể, khi ấy em phân vân mãi vì nhà khó khăn lắm, anh trai thứ tư đang học đại học, mẹ thì đi giúp việc để xoay tiền học cho anh. Để hai anh em đến trường, các chị gái lớn trong nhà nghỉ học từ sớm. “Em nói với mẹ rằng con đi học trường huyện thôi, nhưng mẹ động viên cứ vào ngôi trường mơ ước, mẹ sẽ cố gắng xoay xở cho cả hai anh em”, Chung chia sẻ.
Trường chuyên cách nhà hơn 90 km, Chung cùng thuê trọ với hai bạn học có hoàn cảnh tương đồng. Mỗi tháng gia đình cho 600.000 đồng sinh hoạt phí, cậu tiết kiệm hết mức để không phải xin thêm, như tìm mua sách cũ bán theo cân ở các cửa hàng gần trường, mỗi năm chỉ về hai lần vào dịp hè và Tết.
Có khi cuối tháng mẹ chưa kịp gửi tiền về mà chi phí hết, Chung lại ăn mì tôm mấy ngày. “Để có sức học, đôi khi em mua cơm trắng rồi pha mì tôm ăn cho no bụng. May hồi đó tuổi trưởng thành, không bị suy nhược mà vẫn cao lớn như thường”, thủ khoa cười nhớ lại.
Khi vào đại học, Chung chọn ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế chương trình tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội vì sở thích, cũng do anh trai định hướng. Thủ khoa chia sẻ, 24 điểm đầu vào đại học của em nằm trong nhóm thấp của lớp. Khoảng 2/3 sinh viên khối D nên tiếng Anh tốt, điểm thi cao trong khi ngoại ngữ của chàng sinh viên khối A ở mức bình thường đã tạo cho Chung áp lực lớn.
Để học tốt, Chung bắt đầu nghĩ cách cải thiện tiếng Anh bằng tự học, tìm tài liệu trên mạng, hỏi anh chị khóa trên. Cậu tham gia các chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế do trường tổ chức để rèn khả năng giao tiếp. Từ năm thứ hai, khả năng tiếng Anh tăng tiến cũng là lúc Chung hứng thú với việc học hơn. Các môn khác cậu đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Điểm tổng kết cao dần qua các năm, Chung giành thêm kha khá học bổng để trang trải cho học hành.
Năm thứ hai, chàng sinh viên bắt đầu để ý đến học bổng Pony Chung do một tập đoàn của Hàn Quốc tài trợ. Các sinh viên muốn có học bổng phải cạnh tranh gay gắt qua 3 vòng. Cuối cùng, suất học bổng trị giá gần một tỷ đồng rơi vào tay chàng sinh viên quê Hòa Bình.
Thủ khoa chia sẻ, bốn năm đại học là chặng đường phấn đấu còn gian nan hơn thời phổ thông khi vừa xác định con đường đi và chi phí học nhiều hơn. Tự lo tiền sinh hoạt phí, Chung đi làm gia sư từ năm đầu tiên với thu nhập mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Công việc đó duy trì cho đến khi cậu tốt nghiệp. Chung khoe, vừa rồi hai học sinh của em mới đậu lớp 10 với 9 điểm Toán.
Từ công việc gia sư, Chung nhận thấy mình phù hợp với ngành sư phạm nên dự định học xong thạc sĩ sẽ học tiếp lên tiến sĩ rồi xin về Đại học Kinh tế làm giảng viên. “Đó vừa là mong muốn của bản thân, cũng là để thực hiện tiếp con đường mà anh trai em đã chọn”, Chung chia sẻ.
Anh trai có kinh nghiệm, luôn cho Chung những lời khuyên kịp thời, cũng là người ảnh hưởng rất lớn đến cậu. Thủ khoa kể, khi đang còn đắn đo thi vào lớp chất lượng cao vì phải qua 2 vòng tiếng Anh thì anh đã động viên “Em còn kém thì phải vào đó để phấn đấu, khắc phục những điểm yếu của mình”.
Anh trai Chung trước kia là giảng viên một trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Để đỡ gánh cho kinh tế gia đình và lo cho em trai đến giảng đường, anh xin nghỉ dạy để đi làm cho doanh nghiệp.
Từ Seoul sau khi máy bay hạ cánh an toàn, trên trang cá nhân Đinh Xuân Chung viết “Gia đình chính là điểm tựa và nguồn động lực to lớn nhất. Danh hiệu thủ khoa ghi tên con, nhưng con luôn hiểu rằng, trong đó có vai trò quan trọng của bố, của mẹ và các anh chị. Lúc ở sân bay con vẫn còn can đảm lắm, khi ngồi lên đó rồi nỗi nhớ nhà mới bộc lộ rõ rệt. Đêm nay với con có lẽ sẽ rất dài, nhưng con sẽ sớm cân bằng và quen với cuộc sống một mình. Sẽ tiếp tục nỗ lực và kiên cường hơn”.
Theo vnexpress