Như Ý – tên đầy đủ là Nguyễn Thị Như Ý (15 tuổi), được coi là người tường hiểu về Phật giáo, sống tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang cùng gia đình. Từ khi còn nhỏ, Như Ý đã thể hiện khả năng kỳ lạ của mình.
Hơn 3 tuổi, Như Ý đã bộc lộ sự am hiểu sâu sắc Phật đạo nói chung và tư tưởng Phật giáo Hòa Hảo nói riêng, khiến không chỉ cha mẹ và ngay cả giới đồng đạo với em phải sửng sốt. Theo anh Nguyễn Thành Hạnh (cha ruột Như Ý) cho biết, ngoài việc học xuất sắc ở trường, đọc sách và nghiên cứu đạo pháp tại nhà là niềm đam mê của Như Ý.
Những người dân sống tại Vĩnh Lợi, An Giang rất yêu quý cô bé, họ cho rằng cô bé có duyên tiền kiếp với Phật Pháp nên mới có được khả năng như vậy. Cô bé cũng rất ngoan ngoãn lễ phép, có vầng trán cao, đôi mắt sáng và giọng nói ấm áp, dễ gây thiện cảm dù là người mới tiếp xúc lần đầu.
Chị Nguyễn Thị Cam, mẹ của Như Ý kể lại rằng ngay từ khi còn bé, Như Ý đã đặc biệt chăm chú quan sát mỗi khi anh chị cúng lạy và bắt chước theo. Hai vợ chồng chị vốn là người rất mộ đạo, cả hai đều sinh ra trong một gia đình có truyền thống đạo Hòa Hảo, anh chị cũng đã chính thức quy y theo đạo được gần 20 năm nay.
Anh Hạnh còn cho biết thêm: “Tôi vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống đạo Phật Hòa Hảo. Hồi chưa lấy vợ, trong những ngày lễ, tôi vẫn thường tham gia những buổi thuyết giảng của các đạo sĩ, giảng sư tại những trung tâm Phật giáo hoặc ở các chùa. Nghe nhiều thấy mê, rồi mình sinh lòng cảm mến lúc nào không hay. Từ đó, mỗi ngày niệm Phật, tôi cứ đinh ninh và ước mơ sau này sinh con, sẽ trở thành người thuyết giảng Phật pháp cho chư tăng huynh đệ, để đạo hạnh được tăng thêm nhiều phần. Nay thì mong ước của tôi đã trở thành hiện thực, thông qua con gái bé nhỏ của mình”.
Nhớ lại về tiền kiếp của mình
Chị Cam, vợ anh Hạnh kể lại: “Khi được hơn 3 tuổi, Như Ý có khả năng nói chuyện về Phật pháp như một người trưởng thành, giống hệt một tu sĩ truyền đạo. Tui thấy lạ, hỏi bé thì Như Ý nói rằng bé chỉ mượn mẹ để đầu thai xuống kiếp này tu hành thêm mà thôi. Kiếp trước của bé là một người sinh ra có cha mẹ giàu sang, song bé chỉ muốn đi tu mà không được song thân chấp thuận, nên phải tu tiếp”.
Một lần khác cô bé lại về tiền kiếp của mình: “Kiếp thứ hai, con được làm một nữ tu sĩ, sống được 50 tuổi nhưng vì tu chưa đắc đạo nên kiếp này con về lại nhân gian để tu tiếp, mong rằng sẽ truyền bá sâu rộng chốn nhân gian hơn nữa, con người hòa hợp, không tranh giành đặc lợi mà giúp đỡ lẫn nhau”.
Có lần Như Ý không nghe lời khuyên răn của cha mẹ nên bị mẹ mắng, không ngờ bé cười rồi cất lời: “Con là một người khác chứ không phải là con mẹ đâu ạ, kiếp này con chỉ mượn cha mẹ để lên đây tu thành thêm kiếp đạo dang dở của con thôi”.
Mới đầu khi nghe con gái nói như vậy, vợ chồng anh Hạnh cũng rất lo lắng vì thấy con vô cùng khác thường so với những đứa trẻ khác. Nhất là khi bé liên tiếp nói về tiền kiếp của mình cho cha mẹ và mọi người nghe. “Thấy nó (Như Ý) hợp với đạo, nên tôi không cho bé nói nữa, mà tìm cách giải thích cặn kẽ để bé hiểu. Những điều này hoàn toàn có thực, nhưng do sợ người ta đàm tiếu rằng cha mẹ tôn sùng con cái để tuyên truyền mê tín dị đoan nên vợ chồng tôi không kể lại cho một ai”.
Say mê nghiên cứu đạo pháp
Dù được nhiều người yêu mến về sự am hiểu và khả năng trình bày của mình, Như Ý vẫn luôn khiêm tốn tự nhận mình “chỉ là một người hiểu ít nhiều Phật giáo”, chứ không bao giờ nhận là một vị “giảng sư” như mọi người thường gọi. Trong cuộc sống thường ngày của mình, Như Ý chỉ luôn say mê học tập văn hóa, nghiên cứu đạo hạnh. Cô bé cũng cho biết thêm những khả năng mà em có được là do công tu tập, trao dồi mà thôi.
Tuy nhiên có nhiều người không tin là như vậy. Họ cho rằng nguyên nhân cô bé Như Ý có thể thông thạo kinh Pháp Phật giáo như vậy là nhờ vào công năng tu tập từ những kiếp trước. Đại Đức Thích Minh Phú cho biết thường những người tu hành kiếp này thì ở đời trước họ cũng là bậc tu hành.
Điều này cũng trùng hợp với kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học Dick Sutphen. Ông là người nghiên cứu kỹ càng đối với những người có trí nhớ về luân hồi, và ghi lại kết quả trong cuốn sách “Tình yêu tiền định” (Predestined Love) và “Liệu pháp nhớ lại kiếp trước” (Past-life Therapy in Action). Theo đó, tài năng và tri thức của một người phải trải qua đời đời kiếp kiếp tích luỹ mới có thể đạt được.
Chẳng hạn như, có một người đối với âm nhạc cảm thấy rất hứng thú, hạ quyết tâm bỏ công sức vào âm nhạc để có thành tựu. Anh ta ở trong sáu lần luân hồi đã một mực bồi dưỡng năng lực âm nhạc của mình, mỗi đời đều có một chút tiến bộ. Cuối cùng, ở đời này, anh ta trở thành một nghệ sĩ nổi danh. Còn có một người phụ nữ, ở kiếp này cô ấy có 30 năm cuộc sống hôn nhân hạnh phúc khiến người khác hâm mộ, đây là bởi vì cô ấy qua nhiều lần chuyển thế luôn một mực chú trọng tăng thêm nhận thức giá trị trong các mối quan hệ.
Như vậy Như Ý có thể là một trường hợp này bởi bé còn có một khả năng đặc biệt khác là nhớ được rõ về kiếp trước của mình. Và nếu luân hồi thực sự tồn tại như câu chuyện của cô bé, thì con người chúng ta, đời nối đời, duyên nối duyên, rốt cuộc là vì chờ đợi điều gì?