Đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện truyền thông chủ lưu ở Mỹ truyền đi những lời nói dối để bôi nhọ ông Trump. Và có lẽ đây cũng chưa phải là lần cuối cùng…
Mới đây, tờ báo nổi tiếng New York Times lại dính vào một vụ tai tiếng về đưa tin sai lệch. Và theo Tian Yuan, biên tập viên tờ Epoch Times, động cơ đằng sau việc làm này là nhằm “bôi nhọ ông Trump”. Dưới đây là bài viết của Tian Yuan đăng trên tờ Epoch Times về vụ việc này:
*****
“Vào đầu tháng 8, một tin tức về chính sách ưu tiên trong việc xét tuyển vào đại học được đăng trên một tờ báo lớn đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Đoạn đầu tiên của bài báo này là:
“Chính quyền Trump đang chuẩn bị điều chuyển nguồn lực của Vụ Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp sang điều tra và khởi kiện các trường đại học về chính sách xét tuyển ưu tiên, được coi là phân biệt đối xử đối với những nguyên đơn da trắng”.
Người đưa tin này không phải ai khác là Thời báo New York.
Mới đầu, tôi đã gần như tin vào điều đó. Thời báo New York, mặc dù thiên về cánh tả, nhưng là một tờ báo tương đối uy tín. Tờ báo này được biết với việc xoay các sự kiện để có lợi cho cánh tả, nhưng vẫn căn cứ trên cối lõi sự thật trong khi đưa tin. Tuy nhiên, việc bịa đặt (và ăn cắp) không chỉ xảy ra ở Thời báo New York. Không một hãng tin lớn nào có thể miễn nhiễm với bệnh dịch này.
Thời báo New York cho biết họ đã có được một tài liệu từ Bộ Tư pháp (DOJ). Nếu tài liệu này tồn tại và chính thức, thì tôi không có lý do để tin rằng Thời báo New York lại có thể cố ý trích dẫn nó một cách không đúng.
Thêm nữa, chủng tộc là một vấn đề nhạy cảm ở Mỹ. Tôi hình dung rằng mọi tổ chức thông tấn lớn đều có các thủ tục hiện hành để đảm bảo tính chân thật và sự chính xác của các bài báo liên quan đến chủng tộc. Nếu như cuộc điều tra của DOJ chỉ tập trung vào “những nguyên đơn da trắng”, thì điều đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nó có thể châm ngòi cho những cuộc biểu tình và bạo loạn, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Tôi nghĩ, hậu quả có thể nghiêm trọng đến mức, không có một người tỉnh táo nào lại muốn bịa đặt ra điều như thế, đặc biệt là một tổ chức thông tấn nghiêm túc như Thời báo New York.
Đã có một số vụ kiện nổi tiếng về ưu tiên sắc tộc ở bậc giáo dục trên cấp phổ thông trong hai thập kỷ qua: Fisher kiện Đại học Texas và Grutter kiện Bollinger. Trong hai vụ kiện này, nguyên đơn là những sinh viên da trắng. Nếu như DOJ mở lại những cuộc điều tra đó, thì Thời báo New York có thể không hoàn toàn sai khi gọi những nguyên đơn này là “nguyên đơn da trắng”.
Tuy nhiên, tôi vẫn có những nghi ngờ của mình. Đúng là Tổng thống Trump là một chính trị gia rất không truyền thống. Tuy nhiên, về chính sách đối nội, những ưu tiên của ông rất rõ ràng: Thu lại những quy định của Barack Obama, hủy bỏ nhà nước hành chính, và đem việc làm cũng như sự thịnh vượng trở lại với nước Mỹ. Tôi không thấy thiểu số người đối kháng có thể giúp cho những mục tiêu đó như thế nào.
Hơn nữa, Tổng thống Trump đã luôn bị các phương tiện truyền thông chủ lưu buộc tội là một nhân vật gây chia rẽ. Cuộc điều tra của DOJ về sự phân biệt đối xử đối với những ứng viên da trắng, nếu đúng thì chỉ có thể cung cấp thêm đạn dược cho những người chỉ trích ông.
Cuối cùng, một tổng thống Mỹ nên vì tất cả người Mỹ. Ông không thể thể hiện sự thiên vị, đặc biệt là đối với những người Mỹ da trắng. Tôi chỉ không thấy ông Trump, nguyên là một doanh nhân được biết đến với cách nghĩ thực tế, lại làm điều gì đó chỉ gây ra tổn thất mà chẳng được gì.
Những nghi ngờ của tôi hóa ra rất có cơ sở. Câu chuyện của Thời báo New York đã sụp đổ trong chưa đầy 24 giờ. Đó là một lời nói dối hoàn toàn.
Tài liệu của DOJ mà Thời báo New York tuyên bố có được là một bài viết nội bộ dành cho nhân viên, theo tờ Daily Caller. Nó tìm kiếm những luật sư tình nguyện tiến hành “các cuộc điều tra và có thể khởi kiện liên quan đến sự cố ý phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc trong việc xét tuyển vào đại học”. Nó không nhắc đến bất cứ chủng tộc hay nhóm người cụ thể nào.
Ngày hôm sau, nữ phát ngôn viên của DOJ đã giải thích rằng bài viết dành cho nhân viên, và để tuyển dụng luật sư điều tra một vụ kiện được trình lên trong thời chính quyền Obama, bởi những sinh viên người Mỹ gốc Á cáo buộc rằng họ đã bị phân biệt. Phóng viên Thời báo New York đầu tiên đã biện hộ cho câu chuyện của mình, nhưng sau đó cùng ngày đã viết một câu chuyện về DOJ đang điều tra việc phân biệt đối xử đối với những người Mỹ gốc Á.
Có vẻ như phóng viên Thời báo New York này đã hoàn toàn bịa ra “những nguyên đơn da trắng”. Dường như, sự giám sát của ban biên tập đã không tồn tại, hoặc không hoạt động, hoặc còn tệ hơn, là ai đó đã cố ý để cho những sai sót như thế này đi qua.
Trên cơ sở bài báo của Thời báo New York, các tờ The Washington Post, Time, USA Today, và People đã đăng những phiên bản của họ về câu chuyện bịa đặt này.
Thời báo New York đang cố đạt được điều gì khi đăng một bài báo rõ ràng là bịa đặt đó?Liệu tờ báo này có biết uy tín của họ sẽ chịu rủi ro không? Nếu Thời báo New York chấp nhận một rủi ro lớn như vậy, họ hẳn đang tìm kiếm một phần thưởng ít nhất là lớn hơn hoặc bằng như thế. Điều gì có thể có giá trị hơn thương hiệu của thời báo này?
Tôi chỉ có thể nghĩ ra một điều: Thời báo New York đang cố gắng làm hại ông Trump và gây ra sự tổn hại tối đa cho chính quyền của ông. Cánh tả luôn cố gắng tô vẽ ông Trump như là một người theo chủ nghĩa “người da trắng tối thượng”. Bất cứ một người tỉnh táo nào thấy bài viết tuyển người nội bộ của DOJ cũng không thể nghĩ DOJ đang nói về những nhóm người nào đó.
Tuy nhiên đối với một phóng viên ở Thời báo New York, nó phải là “những nguyên đơn da trắng” vì hai lý do. Phóng viên đó và Thời báo New York tin chắc rằng ông Trump là một người phân biệt chủng tộc (họ có thể tin rằng Tổng Chưởng lý Jeff Sessions cũng là một người phân biệt chủng tộc). Vì thế, chủng tộc hay nhóm người mà DOJ của ông Trump đang bảo vệ hẳn phải là những người Mỹ da trắng.
Thứ hai là, nếu Thời báo này đưa tin rằng DOJ đang cố gắng giúp những người Mỹ gốc Á, thì cánh tả sẽ nhún vai; nếu nhóm người này là “những nguyên đơn da trắng”, thì cánh tả sẽ tức giận và có động lực. Họ sẽ tăng cường “sự phản kháng” của họ đối với ông Trump; điều này có tiềm năng làm tê liệt chính quyền của ông Trump và biến ông thành một tổng thống không làm được gì cả.
Tỷ lệ ủng hộ thấp có thể biến ông Trump trở thành tổng thống một nhiệm kỳ, hoặc thậm chí chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông trước hạn. Đây có thể là phần thưởng mà Thời báo New York đang tìm kiếm và sẵn sàng chập nhận rủi ro cho điều đó.
Đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện truyền thông chủ lưu ở Mỹ truyền đi những lời nói dối để bôi nhọ ông Trump. Và có lẽ đây cũng không phải là lần cuối cùng. Người dân Mỹ không ngu ngốc. Nếu Thời báo New York, hay bất cứ hãng truyền thông nào tin rằng nói dối là một chiến lược giành chiến thắng, thì họ sẽ phải trả giá cho những bịa đặt của họ”.
*****
Bên cạnh đó, theo Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV), thời báo này cũng từng bị chỉ trích khi che giấu tội ác diệt chủng người Do Thái của Phát xít Đức. Suốt Thế Chiến II, trong hơn 24.000 bài viết trên trang nhất, New York Times chỉ đưa tin về nạn thảm sát có 26 lần, và cũng chỉ có 6 bài báo nhắc tới những nạn nhân chính là người Do Thái. Giờ đây khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng đối với môn tu luyện Pháp Luân Công, New York Times một lần nữa không chỉ phớt lờ mà còn tiếp tay cho họ.
Hãy cùng xem tin tức dưới đây để có cái nhìn rõ hơn về tờ báo tai tiếng này:
** Những quan điểm được bày tỏ trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của Epoch Times.
Theo Epoch Times