Hôm 25/5, tại sân ga Muzaffarpur, bang Bihar, phía Đông Ấn Độ, một người phụ nữ tầm 23 tuổi đã chết khô cứng vì đói và mất nước. Bên cạnh xác cô là một đứa trẻ mới chập chững biết đi đang đùa nghịch.
Cũng như bao lao động nghèo khác, hôm 23/5, tại ga Muzaffarpur, người phụ nữ đã bắt chuyến tàu đặc biệt của chính phủ, vốn để vận chuyển hàng trăm ngàn lao động nghèo đang mắc kẹt tại các thành phố vì lệnh phong tỏa. Cô cùng 2 con và vợ chồng chị gái sẽ hướng về quê nhà Katihar của bang Bihar (cách ga xe lửa gần 322 km).
Thế nhưng, do thời tiết nắng nóng và đói khát, người phụ nữ xấu số đã qua đời ít phút trước khi kịp vui mừng chào đón chuyến tàu trở về nhà.
Đứa bé, con của cô vẫn không hề hay biết rằng mẹ đã qua đời. Cậu bé chỉ mới chập chững biết đi đùa nghịch tấm khăn mỏng đang phủ lên người mẹ, lay mẹ dậy trong vô vọng.
Khung cảnh đau thương đó đã được một người quay lại, sau đó lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Đoạn clip đã gây ám ảnh đến hàng triệu người xem, cũng như phản ánh được phần nào cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở Ấn Độ, trong giai đoạn dịch virus Vũ Hán.
Nhiều người dân sau khi xem đoạn clip đều cho rằng đây là hậu quả trong chính sách của chính phủ, họ buộc phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.
Phía chính phủ khi đứng trước sự bức xúc của dư luận, phát ngôn viên của Bộ Đường sắt Ấn Độ lại phủ nhận trách nhiệm, ông cho rằng người phụ nữ đã không được khỏe từ trước khi lên tàu. Bộ cũng bác bỏ các cáo buộc về chuyến tàu đặc biệt này không cung cấp đủ đồ ăn, thức uống cho hành khách, gọi đây là “tin giả”.
Một người phẫn nộ đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng: “Đừng quay mặt đi và thờ ơ trước sự thật rằng có những cái chết vì đói khát đang xảy ra ở Ấn Độ vào năm 2020”.
Người Ấn Độ sợ chết đói còn hơn sợ chết vì dịch
Kể từ khi lệnh phong của chính phủ ra đời, các ngành công nghiệp đóng cửa, các quy định về đi lại, giãn cách xã hội, khiến người dân Ấn Độ không thể làm việc kiếm sống. Hàng triệu lao động phụ thuộc vào lương ngày bị mất việc làm. Họ đều là những lao động nghèo đến từ các thị trấn nhỏ và làng quê lên thành phố kiếm sống.
Nhưng từ khi lệnh phong tỏa được đưa ra, những người này đột nhiên bị mất nguồn thu nhập, không có tiền tiết kiệm, không thể mua thực phẩm, có người đói đến mức phải đi tìm bới trái cây đã thối rữa và lá cây để ăn. Họ không còn cách nào khác để sinh tồn ngoài việc phải quay về quê nhà.
Tuy nhiên, các phương tiện công cộng như tàu hỏa thì bị ngừng, taxi quá đắt đỏ, xe bus và phà thì quá tải. Điều này khiến nhiều người trong số những người này buộc phải cuốc bộ hàng trăm km để trở về quê nhà.
Hậu quả là một số người thể chất yếu đã chết sau khi đi bộ trong thời gian dài, trong khi một số khác thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường bộ, có người bị cán chết do ngủ quên trên đường ray xe lửa. Một số khác còn bị cảnh sát đánh đập ở biên giới.
Cô Lalla Bai, một người lao động kiếm sống theo ngày, đã bỏ lại hai đứa con ở quê để lên thành phố tuyệt vọng cho biết: “Tôi đang bị bỏ đói nhưng cũng không thể quay về với các con mình. Tôi đang bị mắc kẹt”.
Một trường hợp khác là cô Shiv Kumari, 50 tuổi, cho biết đã bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà. Cô và con trai 28 tuổi đã phải khăn gói rời khỏi thành phố, bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ dài tới 900 km để về nhà. “Chúng tôi đã đi bộ được năm ngày qua”, Shiv Kumari nói với AP.
Mặc dù theo dữ liệu của chính phủ, gần 67% dân số Ấn Độ đủ tiêu chuẩn nhận lương thực trợ cấp theo Đạo luật về an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu dân nghèo không được ghi nhận vào dữ liệu của hệ thống này.
Chưa kể trước các áp lực về lao động di cư, chính phủ mặc dù đã cung cấp các chuyến tàu đặc biệt để đưa dân nghèo về nhà. Nhưng lại buộc hàng ngàn người vốn ít học phải điền vào hàng tá giấy tờ, bị kiểm soát cực kỳ gắt gao, và phải xếp hàng giữa tiết trời nắng nóng kỷ lục.
Với những người đã trót lọt về đến quê nhà, vẫn sẽ bị những cảnh sát bắt ngồi khom lưng bên vệ đường để phun xịt hóa chất, nhằm khử khuẩn họ trước khi về các tỉnh thành nơi mình ở.
Những công nhân trở về từ Delhi thì bị phủ một lớp tẩy trắng, sodium hypochlorite, hoá chất có thể gây hại cho da, mắt và phổi, theo Indian Express.
Trong khi đó, ở bang Punjab, những người bị buộc tội là vi phạm yêu cầu cách ly, sẽ phải thụt dầu và hét lên: “Chúng tôi là kẻ thù của xã hội. Chúng tôi không thể ngồi ở nhà”.
Và trường hợp như “em bé đùa nghịch bên xác mẹ” trên thì thực tế cũng chỉ là một câu chuyện đáng thương trong số những người đã thiệt mạng vì đói, khát, và kiệt sức do không có thực phẩm để ăn và bởi sự thờ ơ của chính phủ.
Chúc Di (t/h)