Cậu bé trong câu chuyện là Sam Griner, và sau rất nhiều năm nổi tiếng từ hàng loạt memes “thần thánh”, cuộc sống của cậu có nhiều đổi khác.
Meme là một thuật ngữ dùng để chỉ các đối tượng văn hóa, các ý tưởng lan truyền một cách nhanh chóng từ người này sang người khác thông qua các mạng xã hội, diễn đàn, thư điện tử… Các đối tượng này thường tồn tại dưới dạng bức ảnh, đoạn video hoặc thậm chí chỉ là câu nói hoặc một cụm từ. Bức ảnh là hình thức phổ biến nhất của meme trên mạng Internet. Đa số các meme đều tập trung vào sự hài hước.
Đối với rất nhiều cư dân mạng, khái niệm này giống với những tấm hình hài hước được chia sẻ trên các mạng xã hội, những website hài hước.
Đã từng có rất nhiều hình ảnh được lọt vào “mắt xanh” của các “thánh chế ảnh” trên mạng trong suốt những năm qua để trở thành một meme “thần thánh”. Và trong số đó phải kể đến hình ảnh cậu bé mặc chiếc áo trắng xanh với biểu cảm hết sức “thần sầu” đã nhận được sự quan tâm đáng kể và liên tục được sử dụng trong nhiều năm.
Cậu bé trong câu chuyện là Sam Griner, và sau rất nhiều năm nổi tiếng từ hàng loạt memes “thần thánh”, cuộc sống của cậu có nhiều đổi khác.
Vào một ngày năm 2007, gia đình Grinner đang đi du lịch và tận hưởng một không gian tuyệt vời trên bãi biển thì mẹ của Sam, cô Layner Grinner nhìn thấy cậu con trai 11 tháng tuổi của mình đang ăn cát. Khuôn mặt lúc đó của cậu khiến cho cô cảm thấy rất buồn cười và còn ấn tượng quá thể nên ngay lập tức, Layner đã chụp lại cậu lúc đó. Khi bức ảnh này được đăng tải lên trang Flickr, một kết quả bất ngờ đã đến với gia đình Grinner, cậu bé trở nên nổi tiếng khắp nơi.
Sam được gọi là “cậu bé thành công” và nhanh chóng xuất hiện ở mọi ngóc ngách trên mạng xã hội. Biểu cảm thành công của em dường như trở thành một “huyền thoại” được yêu thích bởi rất nhiều người. Gia đình em lúc đó cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã mang đến được những giá trị tinh thần vô cùng tốt đẹp cho rất nhiều người. Họ đã không đòi hỏi bản quyền về hình ảnh từ bất kỳ cá nhân, tổ chức, website nào khi sử dụng hình ảnh của cậu.
Những tưởng câu chuyện về bức ảnh nổi tiếng này sẽ dừng lại ở thời điểm đó nhưng sau đó 8 năm, một sự kiện đã xảy ra làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của gia đình Grinner. Sự kiện này “đặc biệt” có liên hệ mật thiết với tấm ảnh ngày nào.
8 năm sau ngày nổi tiếng, bố của Sam, anh Justin Grinner bị bệnh và cần phải được cấy ghép thận để có thể điều trị và tiếp tục sống sót. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật lại quá cao khiến cho gia đình anh không thể nào chi trả được. Mọi thứ dường như suy sụp và sắp bỏ cuộc thì cậu bé Sam đã nghĩ ra một ý tưởng để giúp gia đình mình.
Cậu đã cùng gia đình gây quỹ trên trang web GoFoundMe để kêu gọi mọi người ủng hộ giúp bố cậu có đủ tiền để ghép tạng.
“Làm ơn hãy giúp gia đình tôi, để Justin phẫu thuật thành công. Bà nội của Sam đã mất vì căn bệnh này. Tôi mong muốn có thể viết một kết thúc có hậu khác” – bà Laney chia sẻ trên trang web quyên góp.
Câu chuyện về hoàn cảnh gia đình éo le của “cậu bé thành công” ngày nào một lần nữa lại gây sốt trên cộng đồng mạng và được chia sẻ đến chóng mặt. Chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền hơn 70.000 đô đã được những người từ khắp mọi nơi ủng hộ cho bố của Sam. Số tiền tiếp tục tăng dần lên đến 100.000 đô chỉ sau lời kêu gọi ít lâu.
Vào tháng 8 năm 2015, bố của Grinner cuối cùng đã khỏe lại sau ca ghép thận thành công vào thời điểm ấy. Sam đã chia sẻ về sự hạnh phúc vô vàn của mình khi giúp được bố chỉ vì sự “tình cờ nổi tiếng” trong quá khứ. Em đã nói rằng bản thân em không hề muốn mình nổi tiếng thêm một lần nào nữa nhưng em rất cám ơn bức ảnh “em bé thành công” ngày nào..
Sau tất cả mọi thứ, cậu bé Sam và cả gia đình đã nhận được một “kết thúc có hậu” cho sự nổi tiếng mang đến nhiều niềm vui cho mọi người, và mọi người cũng đã mang đến niềm vui ngược lại cho chính em.
Cuộc sống tưởng như là muôn vàn sự tình cờ nhưng thực chất đều là sự sắp đặt với nhiều ý nghĩa của Thượng Đế. Chúng ta hãy sống, sống thật tốt và vững tin vào những điều kỳ diệu sẽ còn đến một ngày nào đó không xa. Hạnh phúc là khi bạn sống trong niềm lạc quan, sự tự do và cả một sự tin tưởng vào chính mình và cuộc sống.
Theo Afamily