Mới đây, một công ty khởi nghiệp ở Canada đã công bố dự án hút CO2 từ không khí, chuyển thành những viên rắn, có thể sử dụng làm nhiên liệu hoặc lưu trữ dưới lòng đất và đem ra sử dụng khi cần. Dự án có tên gọi “Carbon Engineering”.
Tuy rằng từ khi được khởi động vào thời điểm tháng Sáu cho đến nay, dự án mới chỉ trích xuất 10 tấn CO2, nhưng với những gì đã làm được, dự án này hứa hẹn sẽ xây dựng một nhà máy thương mại trị giá 200 triệu USD trong năm 2017, với công suất dự kiến là 1 triệu tấn CO2 mỗi ngày – tương đương với lượng khí thải của 100 chiếc xe hơi mỗi năm. Kế hoạch của dự án này là sẽ bắt đầu bán nhiên liệu tổng hợp CO2 vào năm 2018.
“Việc trích xuất CO2 từ không khí giờ đây là hoàn toàn nằm trong tầm tay, và chúng ta có thể sử dụng nó như một dạng nhiên liệu, cũng như kết hợp với hydro để sản xuất các nhiên liệu sạch không tạo ra khí thải“, giám đốc điều hành công ty, Adrian Corless, chia sẻ với AFP.
Được tài trợ bởi các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả tỷ phú Bill Gates và Murray Edwards – một đại gia đầu tư tài chính lĩnh vực dầu cát, Carbon Engineering không phải là dự án duy nhất hướng tới việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khí thải carbon, nhưng những người điều hành dự án tuyên bố họ sẽ là những người đầu tiên cho chúng ta thấy công nghệ của họ sẽ được nhân rộng như thế nào trên cả hai phương diện, đó là mang lại ảnh hưởng tích cực đến môi trường và tiềm năng thương mại.
Thay vì giải quyết vấn đề CO2 bằng cách thải chúng ra từ các ống khói của nhà máy – điều mà những máy móc hiện có đang làm rất tốt – Carbon Engineering “hút khí trực tiếp” sẽ giải quyết lượng khí carbon được thải ra hàng ngày từ các tòa nhà, giao thông và nông nghiệp – mà theo Corless, đó là “những nguồn phát thải mà tưởng như bạn sẽ không giải quyết được”.
“Đây chỉ là một nhà máy với quy mô thí điểm“, ông nói với CBC News – “Nhưng dự án này rất quan trọng, bởi lần đầu tiên nó cho thấy tồn tại một công nghệ trích xuất CO2 có tiềm năng nhân rộng với quy mô đủ lớn để phát huy ảnh hưởng tích cực đối với môi trường và khí hậu”.
Công nghệ hút khí trực tiếp hoạt động giống như các pin năng lượng mặt trời mới cho phép phân tách nước thành nhiên liệu hydro – các nhà máy tái chế CO2 trích xuất CO2 từ không khí bằng cách sử dụng một tổ hợp khổng lồ của những cánh quạt, rồi kết hợp CO2 với hydrogen lỏng được tách ra từ nước. Hỗn hợp này sau đó có thể được chuyển đổi thành dạng viên canxi cacbonat rắn, đun nóng trong khoảng 800 và 900 độ C để giải phóng carbon tinh khiết làm nhiên liệu trực tiếp, hoặc cất trữ để sử dụng sau.
Theo CBC News, một nhà máy lớn hơn có thể sản xuất lên đến 400 lít xăng hoặc diesel mỗi ngày bằng cách sử dụng phương pháp này. Một trong điểm rất hữu ích là do nhà máy biến CO2 thành nhiên liệu trực tiếp, do vậy sẽ không cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng để cấp năng lượng cho những phương tiện tiêu thụ nhiều nhiên liệu như tàu, máy bay, và xe tải chuyên chở dài. Người ta cũng có thể sử dụng các máy bơm xăng hiện tại để bơm nhiên liệu này. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản của các công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời và gió là chúng đòi hỏi các kỹ thuật nhất định để hút và phân tán năng lượng.
“Điểm tuyệt vời của công nghệ này là nó không có giới hạn cuối cùng và trên lý thuyết, nó có thể thay thế tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch hiện tại được sử dụng trong vận tải“, Corless nói.
Trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là làm thế nào để thương mại hóa kỹ thuật này. Như Kesavan Unnikrishnan đã chỉ ra trên tạp chí Digital Journal, giá của 1 tấn carbon trên thế giới dao động từ 1 USD Mỹ/tấn (như ở Mexico và Ba Lan) cho đến 130 USD/tấn (như ở Thụy Điển), và để thương mại hóa thành công, Carbon Engineering sẽ cần phải bán sản phẩm của mình với giá khoảng 100 USD/tấn.
Theo Moitruong