Tinh Hoa

Cặp vợ chồng nghèo ‘nhịn ăn’ nuôi cả đàn chó hoang

Túp lều rách chưa đầy 5m2 dưới chân cầu Long Biên của vợ chông ông Hùng là nơi cưu mang những con chó hoang lạc hoặc bị bỏ rơi.

Bài liên quan:

Cảm động chó mẹ 'gặm biển' tìm con suốt 2 ngày

Dọc chân cầu Long Biên ngập ngụa rác thải

Cận cảnh những “vết lở loét” trên cầu Long Biên

Gặp người đàn ông hơn 30 năm 'cướp cơm' hà bá

Chúng tôi tìm đến khu nhà ổ chuột sau chợ Long Biên, thuộc khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội để thăm vợ chồng ông Dương Đức Hùng (70 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (59 tuổi) vào một ngày giáp tết. Căn lều rách tả tơi, bên trong chỉ có duy nhất chiếc phản, còn lại là bao tải, ni lông chèn kín tường. Dưới đất là đàn chó khoảng chục con mới sinh được gần 3 tháng do ông chủ hàng ngày chăm bẵm.

Chăm sóc những con chó hoang

Ông Hùng chia sẻ: “Lều chật chội chẳng đến 5m2 đâu nhưng vẫn muốn cho chúng ở cùng, chủ trên phản, chó dưới đất, đi xuống là có chúng bám ríu”.

Sau mỗi buổi chợ ông phân loại rác rồi lại trở về chăm sóc đàn chó. Bầy chó hiện tại ông nuôi chỉ còn 11 con, 3 con to mới bị trộm lấy mất.

Chó mất, ông lão tiếc lắm, ai đến cũng kể rồi lại ngồi thẫn thờ. Mấy con chó con trong nhà, ông không dám cho chúng ra ngoài vui chơi nữa, phải lấy dây buộc vài con lại với nhau. Nhà nghèo, miếng ăn cho người cũng chẳng có, nhưng ông còn cưu mang thêm cả bầy chó. Cơm cho người 1 phần, nhưng cơm cho chó đến 10 phần.

Ông Hùng khoe những con chó con bụ bẫm ông chăm sóc

Ông kể: “Không nuôi thì cũng tội, mà nó là niềm vui tuổi già của tôi, chỉ biết gắn bó với chúng tìm niềm vui. Mỗi bữa cố cho chúng ít gạo, cũng nhờ anh em từ thiện cho, thức ăn thì không có gì”.

Hai vợ chồng ông không có con, nên đàn chó giống như bầy con của họ vậy. Ông cũng thân mật đặt tên cho từng con, rảnh lúc nào là vuốt ve chúng, ngồi tâm sự như những người bạn, lấy chúng làm niềm vui.

Hàng ngày ông bà gom góp cơm thừa, canh cặn xin được để nuôi đàn chó hoang

Cơ duyên nuôi chó của ông bà bắt nguồn từ lần nhặt được một con chó bị bỏ rơi cách đây hơn 10 năm. Đang đi làm, thấy con chó bị người ta bỏ rơi, ông liền xin về nuôi. Đến giờ ông gây thêm giống, đàn chó cứ thế sinh sôi. Mỗi lần bước vào túp lều của ông bà, cảm giác khó thở, ngột ngạt vì mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc. Thế mà cuộc sống của hai người già lại gắn bó với chúng không thể rời.

Dù nhịn ăn nhưng vẫn nuôi đàn chó hoang

Cuộc đời của ông bà là những chuỗi ngày nhọc nhằn cơ cực. Cầm trên tay chén rượu, bà bảo: “Thân chúng tôi nhỏ đã đi ở, lớn lang bạt lên đây làm đủ thứ nghề kiếm sống, Lên đây ăn nhờ ở đậu, túp lều này cũng là được người ta cho ở nhờ chứ đâu ra. Khổ cả một đời cô ạ”. Bà Bích vẫn hay bi quan, khi buồn bà lại uống rượu, bà bảo uống để kiềm chiếc răng đau.

Bà Bích, vợ ông Hùng trầm tư kể về câu chuyện cuộc đời mình

Hai ông bà không có con, hàng ngày ông vẫn đi nhặt rác, phế liệu ở khắp các chợ quanh Hà Nội. Cứ 6 giờ chiều, ông lại lầm lũi xách chiếc bao tải trên vai đi nhặt nhạnh đến nửa đêm rồi ngủ tại chợ đến sáng hôm sau mới về nhà. Đều đặn như vậy, 15 năm nay ông làm công việc này, ngày nắng cũng như ngày mưa. 15 năm ấy cũng quãng thời gian ông bà sống trong chiếc lều tạm bợ này. Lều trước đây cao hơn nhưng lâu ngày mục rũa bị sập, ông lợp mái lại. Giờ 2 người già đi cũng phải cúi đầu, có khách đến chơi, ông bà ái ngại lau ghế để ngoài cửa cho khách ngồi.

Đi nhặt rác về ông Hùng tranh thủ nấu cơm cho đàn chó

Ngày mưa đồ đạc trong nhà đều ướt sũng. Ngày lạnh thì gió lùa vào tận giường, nắng nắng thì oi bức, ngột ngạt. Lối đi duy nhất vào chiếc phản lại là chỗ ăn, ngủ của cả một đàn chó.

Hàng ngày ông đều đi gánh nước về để sinh hoạt, làm nước uống và nấu nướng cho đàn chó. Ông vẫn thường làm thức ăn rồi từ tay nấu cơm, trộn cơm đem cho từng con. Hàng đêm đi kiếm rác được vài chục, ông dành ra 10 nghìn để mua phổi làm thức ăn cho chúng.

Ông dọn nốt chỗ rác trước lều, chờ người vào mua để lấy tiền mua thức ăn cho chó

Ai hỏi xin, hỏi mua vợ chồng ông bà cũng nhất quyết không vì sợ người ta sẽ làm thịt mất. Bà bảo: “Người ta mua về chăm, giữ nhà thì tốt quá, những sợ người ta làm thịt thôi. Tuổi già không người thân, bạn bè, có chúng bầu bạn cũng đỡ buồn nhiều”.

Khi hỏi ông, ông định nuôi chó đến bao giờ, ông cười xòa bảo: “Giờ vợ chồng tôi già rồi, không còn sống được bao lâu nữa nên nuôi được đến kho còn sức, còn đi nhặt rác được là còn nuôi”. Trong túp lều rách của vợ chồng ông Hùng, nghèo đói và thiếu thốn nhưng tình thương thì luôn đầy ăm ắp.

Theo Eva.vn