Tinh Hoa

Cao ủy nhân quyền LHQ đối thoại với Trung Quốc về chuyến thăm Tân Cương

Tân Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc là Zeid Ra’ad al Hussein cho biết hôm Thứ Năm (16/10) trong cuộc họp báo đầu tiên khi vừa nhậm chức, ông muốn đến thăm Tây Tạng và đối thoại với Trung Quốc về chuyến thăm này.

Tân Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ông Zeid Ra’ad al Hussein

Tính từ năm 2009, hơn 120 người Tây Tạng trong đó có nhiều tăng ni từng tự thiêu để phản đối sự cai trị của Bắc Kinh. Theo nhận định của các nhà hoạt động, chính quyền Trung Quốc chà đạp lên văn hóa và tự do tín ngưỡng.

Trung Quốc nói đã “giải phóng Tây Tạng một các hòa bình” năm 1950 và bác bỏ các buộc trên với lý do Bắc Kinh đã kết thúc chế độ nông nô, biến một nơi sự nghèo nàn, lạc hậu thành vùng đất phát triển.

Trả lời câu hỏi liệu người phụ trách nhân quyền của LHQ có đến thăm Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay không, ông Zeid Ra’ad al Hussein đáp: “Có lẽ còn quá sớm khi thảo luận chính xác những nơi tôi đến thăm. Nhưng trong cuộc đối thoại ban đầu, chúng tôi đã trao đổi về một chuyến thăm dài ngày, do đó tôi hy vọng sẽ đi được nhiều nơi nếu khởi hành sớm”.

Hàng trăm người bị sát hại tại Tân Cương trong vòng hai năm qua do xung đột giữa dân tộc Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Theo nguyên tắc, chuyến thăm của Cao ủy nhân quyền LHQ đã được Trung Quốc chấp thuận khi nước này tham gia đợt kiểm tra đánh giá của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào năm ngoái. Cơ quan này chuyên trách định kì kiểm tra hồ sơ nhân quyền của tất cả quốc gia thành viên.

Năm 1998, Mary Robinson trở thành Cao ủy Nhân quyền LHQ duy nhất ghé thăm Trung Quốc, trong đó có Tân Cương cho dù trước đó, những người tiền nhiệm của bà không ngừng đề xuất việc này với Bắc Kinh. Bà Robinson chỉ trích thực trạng nước này bắt nhốt người vào các trại lao động mà không qua xét xử hoặc quy trình hợp pháp.

Navi Pillay là tiền nhiệm của ông Hussein, kết thúc nhiệm kì hôm 31/8 vừa qua, đã kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên nhân quyền độc lập đến Tây Tạng và đánh giá mối hận thù đang hằn sâu nơi đây.

“Trong bản Đánh giá Định kì Phổ quát (UPR), Trung Quốc đã đồng ý đề nghị về một chuyến thăm Tây Tạng của Cao ủy Liên Hợp Quốc. Do đó, chúng tôi đang thảo luận vấn đề này với chính quyền Trung Quốc”, cựu Đại sứ LHQ của Jordan là ông Zeid nói.

Trả lời câu hỏi về phong trào biểu tình tại Hồng Kông, ông Zeid đề cập đến việc nhân viên cảnh sát của Jordan đã được huấn luyện kiểm soát bạo động, phán đoán chính xác và tính kỷ luật phải được tuân thủ trong những trường hợp bạo lực có thể nổ ra.

Cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tuần và đôi khi xuất hiện bạo lực tại Hồng Kông đã làm tê liệt một phần thành phố.

Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh đã tìm cách xoa dịu căng thẳng vào Thứ Năm (16/10) khi bày tỏ hy vọng vào cuộc đối thoại song phương tuần tới, nhưng phẫn nộ do hành vi bạo lực của cảnh sát và các vụ ẩu đả liên tiếp diễn ra trên đường phố khiến sinh viên thêm quyết tâm không nản chí.

“Rõ ràng là phía kiểm soát tình hình hoặc ít nhất là bên có thẩm quyền phải cực kì thận trọng và duy trì tính kỷ luật cao để đảm bảo không có bất kì hành vi bạo lực quá mức nào có thể dẫn đến tình thế bất lợi gây khủng hoảng. Điều then chốt là người dân phải được bày tỏ quan điểm, ý tưởng của mình theo cách ôn hòa và chúng tôi chẳng thể nào thoải mái khi chính quyền lạm dụng quá mức bạo lực để chống lại họ dù trong bất kì tình huống nào”, ông Zeid nhận định.

Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Reuters