Các công tố viên Mỹ gần đây đã cáo buộc một cảnh sát thành phố New York (NYPD), thu thập tình báo người Tây Tạng ở thành phố cho Lãnh sự quán Trung Quốc. Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ và gọi những cáo buộc chống lại người này là “hoàn toàn bịa đặt.”
Baimadajie Angwang, 33 tuổi, sinh ra ở khu vực Tây Tạng của Trung Quốc và phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ, bị cáo buộc đã báo cáo các hoạt động của người Tây Tạng ở khu vực New York cho lãnh sự quán Trung Quốc. Anh ta cũng được Bắc Kinh giao nhiệm vụ tuyển dụng các tài sản tình báo tiềm năng trong cộng đồng người Tây Tạng trong thành phố, các công tố viên đã tiết lộ hôm 21/9, trong một đơn tố cáo hình sự gửi lên tòa án liên bang quận Brooklyn.
Tuy nhiên vào hôm 22/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết bản cáo trạng chống lại Angwang có đầy những lời lẽ mang tính rủi ro như “có vẻ” và “có thể”, khiến các công tố viên Mỹ có vẻ như đang căng thẳng khi đưa ra lời cáo buộc.
Trong một cuộc họp giao ban hàng ngày, Uông nói với các phóng viên rằng: “Các cáo buộc có liên quan từ phía Mỹ là hoàn toàn bịa đặt. Âm mưu của Mỹ là nhằm mục đích làm mất uy tín của lãnh sự quán Trung Quốc và quan chức Mỹ sẽ không thành công.”
Trong một tuyên bố hôm 21/9, người đứng đầu văn phòng FBI ở New York – William Sweeney cho biết, không có cáo buộc nào khẳng định Angwang xâm phạm an ninh quốc gia hoặc hoạt động của Sở Cảnh sát New York. Anh ta vẫn được xem là một mối đe dọa nội gián rõ ràng.
Các cáo buộc chống lại Angwang bao gồm hoạt động như một mật vụ của chính phủ nước ngoài mà không thông báo trước cho Bộ trưởng Tư pháp, đưa ra tuyên bố sai lệch về các mối liên hệ của anh ta, cản trở một thủ tục chính thức và gian lận.
Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã gửi quân đội đến chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950 và Bắc Kinh tuyên bố vùng Himalaya này là lãnh thổ của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Nhiều người Tây Tạng nói rằng họ đã được độc lập trong phần lớn thời gian đó và cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng xóa sổ văn hóa và ngôn ngữ Phật giáo độc đáo của Tây Tạng trong khi khai thác tài nguyên thiên nhiên và khuyến khích người Trung Quốc chuyển đến đó.
Các báo cáo từ tòa án quận Brooklyn cho biết công việc của Angwang với tư cách là gián điệp cho Trung Quốc là “xác định các nguồn tin tình báo tiềm năng và xác định các mối đe dọa tiềm tàng đối với (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) trong khu vực đô thị New York”. Anh ta cũng dự kiến sẽ cung cấp cho các quan chức lãnh sự quán Trung Quốc quyền “tiếp cận với các quan chức cấp cao của NYPD thông qua lời mời tham dự các sự kiện chính thức của NYPD,” họ nói thêm.
Một nhóm vận động có tên là Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, cho biết vụ bắt giữ cho thấy “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tham gia vào các hoạt động ác ý để trấn áp những người bất đồng chính kiến, không chỉ ở Tây Tạng… mà còn bất kỳ nơi nào trên thế giới nơi người Tây Tạng được tự do thể hiện bản thân.”
Các công tố viên cho hay hoạt động gián điệp bị cáo buộc xảy ra từ tháng 5/2018 cho đến khi bị bắt vào tuần này. Vụ án đang được truy tố bởi Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ cho Quận phía Đông của New York.
Angwang sống ở Quận Nassau, Long Island, và làm việc tại Khu 111 ở Queens, các quan chức cho biết. Anh ta được chỉ định vào đơn vị phụ trách các vấn đề cộng đồng, nơi anh ta đóng vai trò là liên lạc viên giữa NYPD và cộng đồng xung quanh do NYPD phụ trách.
Các công tố viên cho biết ban đầu Angwang đến Mỹ bằng thị thực trao đổi văn hóa mà anh ta đã ở quá hạn. Angwang xin tị nạn, tuyên bố mình đã bị bắt và bị tra tấn ở Trung Quốc vì sắc tộc Tây Tạng của mình. Mặc dù anh ta là người Tây Tạng, nhưng mối quan hệ của anh với Trung Quốc rất sâu sắc, Bộ Tư pháp cho biết.
Các công tố viên cáo buộc cha của Angwang, đã nghỉ hưu sau khi phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mẹ của anh ta là một quan chức chính phủ đã nghỉ hưu và cũng là một đảng viên và anh trai của anh ta thuộc lực lượng dự bị trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Cả 3 người này đều sống ở Trung Quốc.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)