Khi một lỗ đen nuốt chửng một ngôi sao, đó là một sự kiện lớn. May mắn thay, một nhóm nghiên cứu quốc tế lần đầu tiên đã quan sát thấy hiện tượng hiếm hoi này.
Lỗ đen là khu vực không gian rất lớn, cực kỳ dày đặc với sức kéo của trọng lực cực mạnh/khắc nghiệt đến nỗi không có vật chất hay ánh sáng nào có thể thoát khỏi. Dạng vật chất này rất khó có thể quan sát và xuất hiện như những khoảng trống rất lớn trong không gian. Các lý thuyết cho rằng, khi một lỗ đen hút vào khối lượng lớn khí, thì sẽ có một luồng tia plasma di chuyển nhanh với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng thoát ra từ gần mép lỗ đen.
Ảnh minh họa về một ngôi sao đang bị hút bởi lực hấp dẫn của lỗ đen (trái) và tạo ra một tia phản lực thể plasma (phải).
Trong 12 tháng qua, các nhà thiên văn đã có được cơ hội hiếm hoi để nghiên cứu một trường hợp như vậy – cơ hội giúp họ kiểm tra lý thuyết về lỗ đen. Cuộc quan sát đã tập trung vào một lỗ đen siêu lớn, gấp khoảng một triệu lần khối lượng mặt trời của chúng ta, nằm cách Trái đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng.
Đoạn phim mô tả những phát hiện mới về một ngôi sao bị một lỗ đen xé nát từ NASA Goddard:
Sự kiện này được phát hiện lần đầu vào tháng 12 năm 2014 bởi các nhà thiên văn học tại Đại học bang Ohio – những người đã sử dụng một kính viễn vọng quang học ở Hawaii. Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Oxford của Vương quốc Anh sau đó đã hướng kính thiên văn vô tuyến về phía đối tượng trên và đã chụp được sự kiện này vừa kịp lúc. Nhìn chung, các nỗ lực quốc tế đã giúp thu thập các dữ liệu quang học, X-quang và vô tuyến – tất cả cùng với nhau giúp cung cấp một ghi nhận chi tiết và có giá trị cao về sự kiện này.
Các nhà nghiên cứu đã có thể khẳng định rằng luồng ánh sáng quan sát được không phải là sản phẩm có từ trước được tạo ra khi một lỗ đen nuốt lấy vật chất, còn được gọi là đĩa bồi tụ. Thay vào đó, bức ảnh đa bước sóng xác nhận rằng sự phát xạ ánh sáng tăng cường là kết quả của một ngôi sao vừa mới bị mắc kẹt, hỗ trợ cho các lý thuyết hiện hữu xung quanh một sự kiện như vậy.
Sjoert van Velzen của Đại học John Hopkins cho biết: “Sự hủy diệt một ngôi sao bởi một lỗ đen là phức tạp một cách tuyệt đẹp và vượt xa khả năng hiểu biết của chúng ta. Từ những quan sát, chúng tôi biết được rằng các dòng phân mảnh vỡ của ngôi sao có thể hội tụ và tạo ra một tia phản lực khá nhanh – đây là một dữ liệu đầu vào có giá trị cho việc xây dựng một lý thuyết hoàn chỉnh về những sự kiện này“.
Mô phỏng ngôi sao bị một lỗ đen xé nát của Đại học Odyssey:
Những phát hiện của nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Science.
Theo khampha