Tinh Hoa

Cảnh giác với chiêu thu mua nông sản lạ của thương lái Trung Quốc

Những năm gần đây một số thương lái Trung Quốc không chỉ có mua sản vật lạ mà phương thức mua cũng chẳng giống ai. Dù rằng nông dân chúng ta có nhiều bài học cay đắng với hậu quả rất nặng nề, nhưng những ngày qua, với cách mua những quả cam non, hoa thanh long rất lạ tạo những “điểm nóng” buộc các nhà quản lý, chính quyền địa phương phải hết sức tỉnh táo và cảnh giác.

Người trồng hoa quả cần cảnh giác trước các chiêu trò của thương lái Trung Quốc. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chiêu trò tạo cơn sốt giả

Tuần qua, ở khu vực ĐBSCL lại rộ lên chuyện thương lái đến thu mua cam non, hoa thanh long để bán sang Trung Quốc. Người dân rất phấn khởi vì cam non đem bán toàn là cam bỏ đi, do áp dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa trái vụ. Hoa thanh long cũng được một thương lái người Quảng Tây (Trung Quốc) đến Tiền Giang thuê đất, làm kho để thu mua với giá khá cao, 2.000-2.500
đồng/kg. Thương lái Việt lại đứng ra làm khâu trung gian thu mua, đâu đâu cũng thấy treo bảng “gom” cam non và hoa thanh long, đem bán lại cho thương lái Trung Quốc giá cao gấp bốn năm lần. Với người dân, giá thu mua hoa thanh long như hiện nay cũng đã có lời, chờ đến khi thành quả có khi tốn kém rất nhiều.

Đại diện chính quyền ở những nơi có thương lái thu mua cam non, hoa thanh long đều khẳng định rằng, việc này không ảnh hưởng đến năng suất, vì hoa thanh long cũng phải cắt tỉa thường xuyên, giúp cây sinh trưởng, cho trái tốt. Tuy nhiên, chiêu trò của thương lái Trung Quốc là nhích giá dần dần, thấy giá cao, lợi trước mắt là nhiều người sẽ hái cả quả, hoa không thuộc diện bỏ đi để bán. “Đòn” nâng giá luôn được các thương lái Trung Quốc áp dụng khi thu mua, kéo người nông dân chạy theo giá, còn thương lái Việt khi bỏ tiền ra ôm một đống hàng thì chẳng thấy tăm hơi thương lái Trung Quốc đâu.

Bài học “cay đắng” về hồ tiêu còn đang nóng hôi hổi ở Đắc Lắc. Trong khi thương lái Việt “sống dở, chết dở”, thương lái Trung Quốc lại thắng đậm, bởi chiêu trò tung hỏa mù mà thương lái Việt cũng như người dân vì ham lời trước mắt đã rơi vào bẫy. Thương lái Trung Quốc ký hợp đồng thu mua giá cao hơn thị trường chút đỉnh, tạo cơn sốt giả. Trong khi vừa mới thấy giá tăng nhẹ là người nông dân cũng như thương lái Việt vội vã bán sạch, khi hàng khan hiếm, lúc này thương lái Trung Quốc liền tung số hàng đã thu mua, bán giá cao. Chưa hết, thương lái Trung Quốc còn chơi “trò” đặt cọc ít tiền để làm tin, ký hợp đồng để mua cả tiêu lép, tạp chất, lá khô, cuống tiêu. Thương lái Việt lại tung tiền thu gom và khi ôm cả đống hàng “tạp”, thương lái Trung Quốc đã “một đi không trở lại”.

Cảnh giác không thừa

Liệu cam non, hoa thanh long có rơi vào số phận “triệt tận gốc” như đã từng diễn ra trong những năm qua, với những cách mua lạ đời của thương lái Trung Quốc với lá sắn, ngọn khoai lang, lá vải, điều, rễ cây hồi, móng trâu, và kinh hoàng nhất là vụ thu mua đỉa. Cho đến khi người nông dân đâu đâu cũng nuôi đỉa, thương lái Việt thu gom cả ngàn tấn đỉa mà chẳng thấy bóng thương lái Trung Quốc trở lại mua.

Vụ dưa hấu vừa qua ở Quảng Ngãi, thương lái Trung Quốc vẫn tưởng “làm mưa, làm gió”, tung chiêu bài ép giá mua dưa hấu đến mức có vài trăm
đồng/kg. Khi các “hiệp sĩ” dưa hấu, các nhóm thiện nguyện vào cuộc, buộc thương lái Trung Quốc phải lộ diện và mua với giá cao hơn. Cũng lại là chiêu trò đặt cọc ít tiền, người dân lại ham, lại mắc bẫy thương lái vì đến ngày thu hoạch, chẳng thấy thương lái đâu, chỉ đến khi dưa hư hỏng gần hết, mới thấy họ đến, lựa từng quả. Ông Bùi Tuấn ở Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết, lúc này thương lái họ đến chọn từng quả để mua, tỉ lệ bán được rất thấp. Phần thiệt là người dân, thương lái chẳng mất gì.

Ngần ấy bài học về trò tung hỏa mù của thương lái Trung Quốc, dường như vẫn chưa làm người dân, thương lái Việt nhận ra bản chất của cách mua bán lạ đời. Hơn ai hết, chính người dân, thương lái Việt phải tỉnh táo và chính quyền địa phương phải cảnh báo cho người dân của mình biết trước chiêu trò của thương lái Trung Quốc, nếu không lại rơi vào bẫy, để rồi lại ôm quả đắng mà chẳng biết tỏ cùng ai.

Kon Tum: Thương lái Trung Quốc thu mua hạt ươi

Từ khoảng tháng 4 trở lại đây, tại những khoảnh rừng hai huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy (Kon Tum), xuất hiện tình trạng người dân vào rừng hái hạt ươi để bán cho các thương lái Trung Quốc. Có thời điểm, thương lái Trung Quốc tự vào tận rừng để thu mua. Hạt uơi được người dân bán với giá 220.000 đồng/kg loại ươi bay (hạt ươi rụng từ cây xuống) và 170.000 đồng/kg cho loại ươi xô (chặt cây lấy hạt, phơi khô). Các “đại lý” địa phương sẽ thu gom từ người dân để xuất sang Trung Quốc. Thậm chí, có trường hợp thương lái Trung Quốc trực tiếp đi xe vào địa bàn thu mua, đưa cả người phiên dịch đi theo. Phó phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Kon Tum) Nguyễn Thanh Bình cho biết, những năm trước, tỉnh Kon Tum từng xuất hiện thương lái Trung Quốc thu gom lá kim cương, lá sâm từ người dân. Hiện tại, về thông tin thương lái Trung Quốc thu mua hạt ươi, các cơ quan chức năng chưa nắm được. Ông Bình cũng cho biết, việc quản lý người dân vào rừng hái ươi khó khăn vì lực lượng kiểm lâm mỏng, chỉ kiểm soát những trục đường chính, còn người dân lén đi những con đường nhỏ. Đình Văn

Theo Lao Động