Với một chính phủ hoạt động hiệu quả, công dân thân thiện và chế độ phúc lợi tuyệt vời, Canada chính là quốc gia đáng ngưỡng mộ nhất thế giới trong năm 2015.
Reputation Institute, một cơ quan chuyên thực hiện khảo sát các Quốc gia phát triển trên Thế giới, vừa công bố kết quả khảo sát hàng năm vào ngày Thứ Tư (15/7). Theo đó, Canada đứng đầu danh sách các Quốc gia được ngưỡng mộ và có danh tiếng tốt đẹp nhất Thế giới.
Tuy nhiên, theo đại diện từ Reputation Institute, Canada vẫn có một vài điểm trừ với nền kinh tế thiếu các thương hiệu mạnh, và chưa có đóng góp nổi bật đến nền văn hóa toàn cầu.
Mặc dù vậy, về mặt bằng chung Canada là nước có nền trí thức cao với hệ thống chính trị, thương mại, văn hóa, và lối sống hàng đầu thế giới.
Canada cũng là đất nước đặc biệt quan tâm tới những hoạt động nhân quyền trên toàn Thế giới. Ngày 15/6/2015, Đại sứ tự do tôn giáo Canada Andrew Bennett chủ trì Hội nghị thành lập nhóm liên lạc Quốc tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng – nhóm các quốc gia cam kết thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cơ bản.
Ông Rob Nicholson, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết: “Tôi hoan nghênh việc thành lập nhóm liên lạc Quốc tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Công tác của nhóm này sẽ giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng đối với tự do tôn giáo trên toàn thế giới, quảng bá cho các giá trị đa nguyên và tinh thần bao dung của đất nước Canada”.
Luật sư ở Canada cũng tích cực chống lại những bất công ở Canada và nước ngoài. Ví dụ, Luật sư Canada David Matas cùng cuốn tự truyện ” Why did you do that?” đã đưa ra góc nhìn của ông về nhân quyền. Theo ông, nhân quyền sẽ gắn kết nhân loại trên khắp Thế giới như một tổng thể. Cuốn truyện đã tập trung đề cập tới nạn diệt chủng Holocaust, nạn phân biệt chủng tộc apartheid, nạn tiêu diệt người Do Thái, sau đó là mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc.
Canada đã đứng đầu bảng ba năm liên tiếp trước đây, từ năm 2011-2013.
Ông Fernando Prado, đại diện Reputation Institute cho biết, “Nhìn chung, Canada là đất nước có thể mang lại điều tốt đẹp trong tất cả các lĩnh vực”
Reputation Institute đã thực hiện cuộc khảo sát trên 48.000 cư dân của các nước G8, với yêu cầu xếp hạng 55 Quốc gia giàu có nhất Thế giới (theo GDP) dựa trên nhiều khía cạnh.
Bảng xếp hạng cho thấy Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, và Úc là các quốc gia được ngưỡng mộ nhất trên thế giới, trong khi Hoa Kỳ lại dừng lại ở vị trí khá thấp là 22.
Reputation Institute còn một bảng xếp hạng khác về cảm nhận của người dân về chính đất nước họ đang ở. Úc đứng đầu bảng xếp hạng này, theo sau là Canada, Nga, Ấn Độ và Đức. Mỹ đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng này.
Đối chiếu giữa hai bảng xếp hạng, Nga là nước có sự chênh lệch lớn nhất giữa sự đánh giá của các quốc gia khác và sự tự đánh giá của người dân trong nước.
Công dân Nga tự đánh giá đất nước của họ đứng thứ ba, nhưng các quốc gia khác lại xếp họ ở vị trí thứ 52 trong số 55 quốc gia, chỉ hơn Pakistan, Iran và Iraq.
Mức chênh lệch rõ rệt giữa sự đánh giá bên ngoài và tự đánh giá cũng được thể hiện ở các quốc gia khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Hoàng Sâm, tổng hợp