Đằng sau những hào nhoáng, xa hoa của nền kinh tế thứ 2 toàn cầu là hình ảnh bi thương của thế giới những người nghèo khổ bị lãng quên… Bài viết của tác giả Trình Khải dưới đây sẽ cho bạn biết căn nguyên cùng khổ của hàng chục triệu người Trung Quốc vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói.
Tháng 9/2016, giới truyền thông đưa tin một phụ nữ làm nông ở huyện Khang Lạc tỉnh Cam Túc, vì chính quyền huyện hủy bỏ chi phí bảo đảm mức sống tối thiểu nhất, nghèo khổ quá không thể sống tiếp được nữa đã lấy rìu chém chết 4 đứa con, sau đó uống thuốc sâu tự tử chết cùng các con. Người chồng làm thuê ở bên ngoài trở về, sau khi chôn cất thi thể của vợ con xong, cũng uống thuốc trừ sâu tự vẫn, cả nhà 6 người đã rời khỏi Trung Quốc, cái nơi đã khiến họ bần cùng và tuyệt vọng này.
Chấn động sâu sắc đối với bi kịch của cả nhà Dương Cải Lan trong tâm tôi vẫn còn chưa nguôi, gần đây trên mạng lại đọc được một thông tin: Một ông lão họ Vương hơn 70 tuổi sống ở lành Thành Đông, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô mắc bệnh ung thư cùng người vợ già mắc bệnh tiểu đường, nghèo đói bệnh tật chồng chất lên nhau, hai ông bà già đã dùng một sợi dây thừng cột chung cả hai người lại với nhau nhảy lầu tự sát, cũng rời khỏi Trung Quốc, cái nơi đã khiến họ bần cùng và tuyệt vọng này.
Tôi đã sống ở Mỹ hơn 26 năm, gần 10 năm nay, mỗi năm đều có người từ Trung Quốc đến, hoặc từ Mỹ về Trung Quốc du lịch hoặc thăm người thân trở về, họ đều nói với tôi rằng: Trung Quốc đã giàu mạnh rồi, nhìn thấy những tòa nhà cao tầng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông còn khí thế hơn cả những tòa nhà chọc trời ở Manhattan của New York, ngay cả người Trung Quốc hạng 2, hạng 3 sống ở thành phố, cũng giàu có hơn cả người Mỹ. Quả nhiên, mấy năm nay tôi thấy ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến Mỹ du lịch, họ hễ đến nơi nào, thì tranh mua sắm đồ hiệu các loại, cứ như thể có tiền nhiều đến nỗi tiêu xài không hết vậy.
Những người Trung Quốc này, bao gồm cả người Hoa kiều sống ở hải ngoại, họ đều không đi tìm kiếm bản chất đằng sau hiện tượng: Không biết rằng bên dưới những tòa nhà cao tầng này chính là đang chôn thi hài của 6 người nhà Dương Cải Lan và ông lão họ Vương cùng người vợ già, những người Trung Quốc có tiền tiêu không hết mua sắm đồ hiệu.
Mỗi một đồng tiền mà họ móc ra đều có nhuốm máu và nước mắt của những người nghèo khổ cơ cực làm lụng cả đời vẫn ăn không đủ no, nuôi không nổi con cái, không có tiền khám bệnh, chỉ còn cách đi đến đường cùng giống như cả nhà Dương Cải Lan và vợ chồng ông lão họ Vương. Còn tình huống nghèo khổ rộng khắp của những người dân Trung Quốc phổ thông này, hiện giờ so với 30 năm trước, 60 năm trước cũng không khác nhau là mấy, thậm chí hiện nay có thể còn nghiêm trọng hơn cả trước đây.
Câu chuyện của 30 năm trước vẫn đang tiếp diễn
Tôi là người theo nghề viết báo. 30 năm trước tôi làm việc cho tờ “Nhân Dân Nhật Báo” , trang truyền thông miệng lưỡi của cơ quan trung ương ĐCSTQ, làm ký giả có trụ sở ở đặc khu Thâm Quyến của tờ báo này. Các ký giả có trụ sở khắp các tỉnh thành của trang “Nhân Dân Nhật Báo” lúc đó mỗi năm đều phải đến Bắc Kinh tham dự hội nghị, đây cũng là cơ hội cho các phóng viên gặp gỡ trò chuyện trong năm. Tôi từ chỗ đồng nghiệp kiểm chứng được rất nhiều thông tin liên quan đến cảnh bần cùng của người dân Trung Quốc, đương nhiên những sự thật này, các phóng viên sẽ không viết thành bài để đăng lên báo.
Cả nhà Dương Cải Lan sống ở tỉnh Cam Túc, 30 năm trước vẫn nghèo khổ giống như vậy. Phóng viên sống ở Cam Túc nói: Anh đã từng đến làng quê của một huyện không được tính là nghèo nhất của tỉnh này để phỏng vấn, nhìn thấy khẩu phần lương thực của một hộ nông dân chỉ còn lại mười mấy củ khoai tây. Bên cạnh tỉnh Cam Túc là tỉnh Thiểm Tây, phóng viên có trụ sở ở Thiểm Tây nói: Bên ngoài đồn rằng một cô gái 18 tuổi ở Diên An không có lấy cái quần để mặc, tình huống thực tế là cả nhà chỉ có một chiếc quần để mặc ra ngoài, trong nhà có người mặc chiếc quần này ra ngoài rồi, cô gái 18 tuổi đó chỉ có thể ở trong nhà chờ đợi.
Bên cạnh tỉnh Thiểm Tây là tỉnh Hà Nam, phóng viên có trụ sở ở tỉnh Hà Nam kể lại, có một nông dân nghèo khổ cạnh bờ sông Hoàng Hà, trước lúc vợ anh ta chết, anh cũng không thể cho người vợ ăn được bữa màn thầu (bánh bao không nhân), anh ta thần trí thất thường, đứa con trai khóc lóc đòi ăn bánh bao, thế là đã bị anh ta một dao chém chết, rồi chặt đầu đứa con trai, dùng vải gói lại, xách đến trụ sở tỉnh ủy Trịnh Châu tìm gặp Bí thư tỉnh ủy.
Tôi cũng kể lại những gì mà bản thân tôi đã tận mắt chứng kiến với các đồng nghiệp. Cuối những năm 70, tôi đến huyện Tử Kim tỉnh Quảng Đông phỏng vấn việc phổ cập giáo dục tiểu học ở đó, đến một gian phòng học ngoại ô huyện thành, thấy lớp học của các em học sinh bốn mặt gió lùa, bàn học là một tấm ván gỗ được lót trên mấy cục gạch, ghế ngồi cũng là mấy viên gạch; giáo viên không có phấn viết bảng, chỉ có thể lấy vật gì giống như than vôi viết chữ dạy học lên trên tấm bảng được sơn đen. Có những em nhỏ hàng ngày phải đi mấy cây số để đến lớp học, cơm trưa mà các em mang theo từ nhà là những cục cơm trắng trộn chung với đường.
Những sự việc này đều là câu chuyện của hơn 30 năm trước. Nếu các đồng nghiệp của tôi đều vẫn còn đang ở cương vị phóng viên, hôm nay chúng tôi ngồi chung lại với nhau, tôi tin chắc rằng điều được kể vẫn là những câu chuyện giống y chang vậy. Nếu không Trung Quốc sẽ không có cả những bi kịch cả nhà Dương Cải Lan cùng chết với nhau, ông lão họ Vương cùng người vợ già nhảy lầu xẩy ra.
Năm 1987, từ ký giả của trang “Nhân Dân Nhật Báo”, tôi được điều đến tỉnh Nam Hải nhậm chức tổng biên tập của trang “Nam Hải Nhật Báo”. Trước khi được điều đến Nam Hải công tác, tôi cũng đã từng nhiều lần đến đây phỏng vấn, cái nghèo đói của người dân Nam Hải thật khiến người ta phải sửng sốt khó tin. Có một lần, tôi ở trong nhà của một đội trưởng sản xuất của làng Lê vùng núi Ngũ Chỉ, toàn bộ nhà cửa trong làng đều là cỏ tranh dựng thành, nhà của đội trưởng sản xuất cũng không ngoại lệ.
Tôi nhìn quanh nhà anh ta, thấy cái bếp là do ba cục gạch dựng thành, trên giường không có chiếu, chỉ có tấm chăn toàn là lỗ thủng lót lên trên. Tôi nhẩm tính thử, toàn bộ tài sản trong nhà của anh ta, nếu đổi thành Nhân dân tệ thì cũng không quá 30 đồng. Con trai đội trưởng sản xuất đi ra ngoài hái một trái đu đủ xanh làm cơm đãi tôi. Người dân tộc Lê đi khắp vùng núi bắt một số ếch nhái, chuột, châu chấu, rắn,…. , về đến nhà bỏ vào trong cái chum nước cao một mét, ngâm ủ khoảng 10 ngày hay nửa tháng thì có thể ăn.
Bình thường họ không nỡ ăn, đội trưởng sản xuất vì để thiết đãi tôi, mới bưng thịt của chúng lên. Người dân tộc Lê có thịt ăn thì vẫn còn được tính là may mắn, gần đây tôi đọc được một bài viết trên mạng, nói ở núi Đại Lương, tỉnh Tứ Xuyên có những đứa trẻ 10 năm vẫn chưa từng được ăn thịt, 7 năm chưa từng tắm gội. Người viết bài này đã bị cục công an bắt giữ.
Căn nguyên cùng khổ của người dân Trung Quốc
Nam Hải kỳ thực không phải là nơi đói chết người, thực vật màu xanh phủ trùm khắp đảo, bốn mùa quanh năm có thể cung cấp thực phẩm cho người ta. Nam Hải có 4 nguồn tài nguyên lớn: Cây trồng nhiệt đới, ngư nghiệp, khoáng sản và du lịch, là một hòn đảo tài nguyên còn dồi dào hơn cả Đài Loan, nhưng người dân Nam Hải lại nghèo rớt mồng tơi. Năm đó tôi cùng tỉnh trưởng Lương Tương đến huyện Văn Xương để tìm hiểu dân tình, đó là quê hương của ba chị em họ Tống thời Dân Quốc.
Lương Tương đi vào một hộ gia đình nông dân, mở lu gạo ra, một hột gạo cũng không có, mở nắp nồi ra, trong nồi là rau dại nấu với nước lã. Lương Tương nước mắt tuôn trào, nói với người nông dân đó rằng: Đảng cộng sản có lỗi với mọi người! Tôi sống ở Trung Quốc đã hơn nửa đời người, lần đầu tiên nhìn thấy quan chức đảng cộng sản rơi nước mắt vì những người nông dân nghèo khổ, lần đầu tiên nhìn thấy một quan chức đảng cộng sản nói lời xin lỗi với người dân.
ĐCSTQ mở “đặc khu lớn” ở tỉnh Hải Nam, thành phố cảng biển của tỉnh lị mau chóng phồn thịnh hẳn lên, những người quyền quý tranh nhau kéo đến cảng biển vung tiền, tìm kiếm thú vui, trong chốc lát, những nơi ăn chơi trác táng, xa hoa đồi trụy ồ ạt sinh sôi. Nhưng chỉ cần đi khỏi cảng biển đi về phía bắc khoảng 30 dặm, thì sẽ nhìn thấy khung cảnh làng quê không khí trầm lặng, những người nông dân sống trong cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Mới đây có một người đồng nghiệp của trang “Nhật Báo Hải Nam” sang Mỹ du lịch, dành thời gian đến thăm tôi, anh ấy nói với tôi: Cảng biển bây giờ phồn thịnh hơn trước đây, đã trở thành hang ổ tiêu tiền. Tôi hỏi anh ta cái cảnh tượng những làng quê bần cùng cách cửa biển 30 dặm có còn nữa hay không? Anh ta nói: “Tình hình có thay đổi, 30 dặm trước đây bây giờ đã biến thành 50 dặm rồi. Còn về thôn làng của người dân tộc Lê, anh ta nói cũng đã có thay đổi, những người dân tộc Lê nhờ chụp ảnh chung với du khách người Hán đến tham quan làng Lê bần cùng lạc hậu đã kiếm được không ít tiền”.
Năm đó là ký giả của ĐCSTQ, tôi phải thừa nhận, những gì tôi tận mắt chứng kiến thậm chí còn vượt xa cảnh nghèo khổ thực tế của người Trung Quốc, không sánh được một phần vạn so với thảm cảnh ba bốn chục triệu người chết đói, những người nông dân đói khổ đến nỗi phải giết con mà ăn trong thời Đại Nhảy Vọt.
Nhiệm vụ làm ký giả của tôi là đưa tin ĐCSTQ mưu cầu hạnh phúc cho người dân như thế nào, nhưng tôi không chỉ một lần khi phỏng vấn đã gặp phải tình cảnh nhục nhã: Tôi xin lão nông dân nhớ lại những ngày tháng sướng khổ trong đời, lão nông dân lại kể về chuyện chạy nạn ăn xin, vặn hỏi, thì biết được cái khổ mà họ nói đến đều xảy ra sau năm 1949, sau khi ĐCSTQ thành lập.
Hôm nay tôi đặc biệt viết ra cảnh bần cùng của người dân Trung Quốc mà tôi đã tận mắt chứng kiến, đầu đề bài viết của tôi là “Căn nguyên nghèo khổ của người Trung Quốc”, căn nguyên nghèo khổ ở đâu? Ai đã gây nên cảnh tượng nghèo khổ rộng khắp cho người dân Trung Quốc như vậy? Đây là một câu hỏi mà bất cứ ai cũng đều có thể dễ dàng đưa ra cùng một câu trả lời. Vậy còn cần phải hỏi nữa không? Là ai đã khiến cho người dân Trung Quốc gặp phải ĐCSTQ tham lam hung tàn, coi mạng người như cỏ rác, đẩy người dân vào cảnh nước sôi lửa bỏng đây.
Viết thêm một câu chuyện để kết thúc cho bài viết này vậy. Ở tỉnh Giang Tô, nơi ông lão họ Vương và bà vợ già của ông nhảy lầu tự sát, năm đó phóng viên của trang “Nhân Dân Nhật Báo” có trụ sở ở tỉnh Giang Tô kể lại với tôi: Có một năm Liên Hiệp Quốc đã tài trợ 100 triệu USD cho một làng quê nghèo ở phía bắc tỉnh Giang Tô để mở rộng kỹ thuật canh tác tiên tiến và lắp đặt thiết bị phát điện bằng khí đốt.
100 triệu USD chuyển về Bắc Kinh, đến khi xuống đến tỉnh chỉ còn lại có 10 triệu, lại chuyển xuống đến địa khu chỉ còn lại 1 triệu, rồi từ địa khu xuống đến huyện, chỉ còn lại 100 ngàn, từ huyện đến làng xã chỉ còn lại có 10 ngàn, 10 ngàn USD đối với cán bộ làng xã quả thật là một khoản tiền lớn từ trời rơi xuống, thế là họ rút ra 1 ngàn USD mà Liên Hiệp Quốc chỉ định dùng để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống cho người dân nghèo của địa phương đó, 9 ngàn USD thừa lại cuối cùng đã đi vào tủ tiền của cán bộ nông thôn.
Xem thêm
Theo Secret China