Hai vợ chồng nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado đã cho thế giới thấy rằng, chỉ với một nhóm nhỏ những người tận tụy và đam mê cũng có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Sebastião Salgado (75 tuổi) là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã giành được nhiều giải thưởng lớn về phóng sự ảnh, đồng thời xuất bản hơn nửa tá sách về những miền đất nơi ông từng đặt chân đến. Ông sinh ra ở Aimores, thuộc bang Minas Gerais, Brazil. Đó là một vùng đất màu mỡ, có núi, có sông, cả khu vực gần như được che phủ bởi những tán lá và cây rừng nhiệt đới, thời tiết quanh năm mát mẻ dễ chịu.
Vào những năm 1990, cảm thấy kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần sau khi ghi lại sự man rợ của nạn diệt chủng Rwandan thuộc đông Phi, ông quyết định trở về quê nhà với hy vọng tìm thấy niềm an ủi trong lòng một khu rừng xanh mát.
Thế nhưng về đây, ông lại càng sốc hơn khi nơi từng được bao phủ bởi những cánh rừng tươi tốt quanh năm đã trở thành một hoang mạc cằn cỗi, chết chóc và thậm chí không còn bất kì bóng dáng của một động vật hoang dã nào.
“Vùng đất này tàn tạ như chính bản thân tôi vậy, mọi thứ đều bị hủy hoại nặng nề. Ở thời điểm đó, chỉ có khoảng 0,5% diện tích đất được phủ xanh. Sau đó tôi và vợ lên kế hoạch trồng lại rừng dù trong tay không có gì ngoài cuốc xẻng. Và khi chúng tôi làm điều đó, các loài côn trùng, chim chóc và cá đã quay trở lại. Tôi cũng đã được tái sinh”, ông Sebastĩao chia sẻ với tờ The Guardian năm 2015.
Để thực hiện kế hoạch, vợ chồng Salgado đã thuyết phục nhiều người, kêu gọi gây quỹ để có tiền bạc trồng cây. Thời điểm ban đầu, vợ chồng ông thuê hơn 24 công nhân, sau đó, đã có nhiều tình nguyện viên tham gia trồng rừng cùng ông trong nhiều năm.
Sau này, vợ chồng Salgado cùng nhau thành lập Instuto Terra, một tổ chức nhỏ đã trồng 4 triệu cây con, làm trẻ hóa 1502 mẫu rừng và đưa khu rừng trở về từ cõi chết. Họ cùng nhau vun trồng những mầm non, cải tạo lại đất đai, chăm sóc và trò chuyện cùng cây cối mỗi ngày.
Theo nhiếp ảnh gia, cây cối là một thực thể duy nhất trong thiên nhiên có thể biến khí CO2 thành oxy và con người cần trồng lại rừng.
Nhờ được chăm sóc tốt, khu vực được vợ chồng Salgado phủ xanh đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm sau đó. Động vật hoang dã kéo nhau trở lại và sự im lặng chết chóc giờ đây đã được thay thế bằng âm thanh tíu tít của các loài động vật.
Tổng cộng, có khoảng 172 loài chim cũng như 33 loài động vật có vú, 293 loài thực vật, 15 loài bò sát và 15 loài lưỡng cư đã quay lại khu rừng. 8 con suối trước đây đã khô cạn, nay đã chảy. Gần như toàn bộ hệ sinh thái đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Hình ảnh vệ tinh đã cho thấy một lớp màu xanh đã bao phủ khu vực trước kia từng là một mảng đất màu nâu cằn cỗi.
Hiện tại, dự án trồng rừng của ông Sebastiao và bà Lélia được xem là một trong những sáng kiến môi trường lớn nhất trên thế giới.
Dự án của vợ chồng Salgado đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng cách đưa ra một ví dụ cụ thể về hành động tích cực của con người, đồng thời cho thấy môi trường có thể phục hồi nhanh như thế nào nếu chúng ta có một thái độ đúng đắn.
“Chúng ta cần lắng nghe lời nói của những cư dân vùng đất này. Thiên nhiên chính là Trái Đất của chúng ta và những loài sinh vật khác. Nếu không làm gì để cải thiện môi trường thì một ngày nào đó, chính chúng ta sẽ bị trừng phạt”, Salgado giãi bày.
Thùy Linh (t/h)