PGS. TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) cho rằng, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán. Do vậy, cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy học sớm cho học sinh.
Cần thiết đưa Hán Nôm trở lại trường học
Phát biểu tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại diễn ra hôm 27/8/2016, ông Giang cho rằng, trong số các quốc gia thuộc khu vực đồng văn (các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc) chỉ có Việt Nam là từ bỏ chữ Hán hoàn toàn nên thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc.
Từ bỏ chữ Hán cũng là lý do khiến thanh niên Việt Nam đơn giản nhất, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc.
Ông Giang dẫn ví dụ, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này.
Ông Giang cũng cho biết, nghiên cứu của một trung tâm nơi ông được mời dạy chữ Hán Nôm cho học sinh tiểu học cho thấy, những học sinh được học chữ Hán Nôm hình thành và phát triển nhân cách tốt hơn những học sinh khác không được học.
“Trước đây chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” – ông Giang nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khẳng định, việc dạy Hán Nôm trong nhà trường phổ thông dứt khoát là phải đặt ra. Theo ông Mạnh, việc không có tri thức về Hán Nôm khiến hiện nay nhiều từ ngữ tiếng Việt bị nói sai.
Bên cạnh đó, hầu hết các môn học hiện nay đều có tính liên thông, kế thừa từ bậc phổ thông lên đại học, riêng môn Hán Nôm là không có. Việc dạy các văn học cổ hiện nay chỉ dạy thông qua phiên âm chứ không đưa nguyên văn Hán Nôm vào đã dẫn đến nhiều sai sót trong cách dạy cũng như cách hiểu văn học cổ.
TS Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng khẳng định cần phải dạy chữ Hán Nôm sớm cho trẻ.
“Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ khi còn rất nhỏ, các các em đã đối mặt với việc phải nhận thức chữ nào là chữ Hán, chữ nào là âm Hán – Việt. Vì vậy, nếu đã không hiểu từ cái gốc rồi thì sau này lớn lên học rất là khó” – bà Lan nhận định.
PGS. TS Hà Văn Minh (Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng khẳng định, “cần đưa, nên đưa và thế tất sẽ đưa” Hán Nôm vào dạy trong trong trường phổ thông.
Ông Minh cho hay, “kỳ thi quốc gia của Hàn Quốc từ 40 năm nay đều có môn Hán Văn Hàn Quốc, không có cớ gì chúng ta lại không. Hàn Quốc còn có một bộ giáo trình dạy Hán Nôm cực kỳ bài bản từ phổ thông”.
Ông Minh cũng cho rằng, việc dạy Hán Nôm cũng sẽ tham gia vào việc hình thành ít nhất là 3 nhóm năng lực trên tổng số 8 nhóm năng lực theo định hướng giáo dục mới hiện nay – giáo dục hướng tới năng lực người học thay vì truyền tải tri thức.
“Bảo quý thì quý mà bảo không quý thì cũng chả quý gì”
Làm thế nào để đưa tri thức Hán Nôm vào trong nhà trường là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm bàn thảo.
PGS. TS Hà Minh cho rằng, sắp tới, ông sẽ có ý kiến trực tiếp với các trường sư phạm, với những người tham gia biên soạn SGK trong đợt biên soạn sách sắp tới về việc đưa tri thức Hán Nôm vào giảng dạy.
“Nếu cần thiết thì tôi đề nghị liên hệ tất cả các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về Hán Nôm để có một bản kiến nghị với tư cách một hội nghề nghiệp để có tiếng nói chính thức với các cơ quan chức năng” – ông Minh đề xuất.
Ông Minh cũng đưa ra 2 phương án “thiết kế khả thi” để đưa Hán Nôm vào giảng dạy trong nhà trường: Đầu tiên là đưa môn dạy Hán Nôm vào chương trình như một môn tự chọn. Bên cạnh đó, cần phải tăng tỉ trọng bộ phận văn học cổ bằng chữ Hán và chữ Nôm trong SGK mới sắp tới.
Ngoài ra, ông Minh cũng đề xuất biên soạn một một cuốn sách giáo khoa tham khảo sử dụng trong nhà trường về Hán Nôm được Bộ GD-ĐT giới thiệu sử dụng. “Chúng ta có thể có 2 cuốn một cuốn cho THCS và một cuốn cho THPT bám sát chương trình Tiếng Việt và Ngữ văn của 2 cấp học này“.
“Các nhà biên soạn có thể tham khảo những từ có tần số xuất hiện nhiều để làm sao sau khi học hết THCS thì học sinh biết được khoảng 1.500 từ. Hết THPT thì biết thêm khoảng 1.000 từ nữa” – ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, SGK Ngữ văn nên có bảng tra cứu từ và yếu tố Hán Việt nhưng phải có nguyên văn chữ Hán Nôm và giải thích chữ Hán Nôm đó để học sinh hiểu nghĩa từ nguyên.
PGS. TS Đoàn Lê Giang cho rằng, hiện tại nếu nêu vấn đề đưa chữ Hán trở lại dạy trong trường phổ thông, chắc chắn nhiều người sẽ không đồng tình nhất là trong tâm lý xã hội hiện nay.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sỹ Toản thì cho rằng bối cảnh hiện nay là rất khó khăn để đưa môn Hán Nôm quay trở lại trường phổ thông. Ông Toản dẫn ví dụ về môn Lịch sử trước đây đã suýt không có tên trong “bản đồ các môn học” chứ đừng nói tới môn Hán Nôm.
“Ngay cả việc đưa môn Hán Nôm vào như một môn tự chọn cũng cần tính toán cách nào đó vì nếu học sinh không chọn học thì sẽ khó khăn trong việc giải quyết công việc cho các giáo viên đã được nhận vào biên chế” – ông Toản nói.
PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh nói rằng, người ta nói Hán Nôm giống như chiếc bình hoa trong nhà, bảo nó quý thì nó quý còn cho nó không quý thì nó cũng chả quý gì. “Chúng ta là những người trong cuộc, chúng ta thấy quan trọng còn những người ở ngoài thì họ lại cho là không cần thiết“.
Theo Vietnamnet