Đào đất cả ngày bằng đôi tay trần, những công nhân mỏ ở châu Phi xa xôi đã phải sống cuộc đời cùng cực để khai thác coltan, thứ quặng kim loại dùng để sản xuất các bán dẫn kỳ diệu trong những chiếc iPhone, Samsung Galaxy và nhiều điện thoại thông minh khác.
Từ đầu tới chân ngập trong bùn đất, hàng trăm công nhân lao động cực nhọc 12 tiếng mỗi ngày, trong những khu mỏ với hình ảnh như từ thế kỷ 19.
Những hàng dài các thợ cầm xẻng và cuốc xuất hiện mỗi ngày ở vùng đồi núi hoang vu để giúp chúng ta có được thế giới công nghệ cao với thư điện tử, mạng xã hội và internet mỗi ngày.
Các thợ mỏ phải khuân quặng coltan ra trên vai và đưa tới khu sơ chế.
Sự đối lập giữa kiểu khai mỏ kiểu thế kỷ 19 này và những sản phẩm công nghệ cao và hào nhoáng nó làm ra thật đáng kinh ngạc.
Khu quặng được báo Daily Mail chọn làm phóng sự ảnh là Luwow, ở CHDC Congo.
“Những thiết bị giúp chiếc điện thoại thông minh của bạn hoạt động là từ khu quặng của tôi”, Jotham Uwemeye, Tổng thư ký hiệp hội các thợ mỏ Cooperamma, nói.
Sau khi được tinh luyện, coltan sẽ trở thành kim loại tantan có khả năng chống nhiệt cao và dẫn điện tốt, rất cần để làm các bảng mạch nhỏ xíu trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy nhắn tin và các thiết bị công nghệ cao khác.
Khu mỏ này nằm giữa vùng núi non hiểm trở ở trung tâm châu Phi, là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới có loại quặng coltan quý giá.
Sau khi quặng coltan được tách ra, nó sẽ được thợ mỏ vác đi hoặc đưa đi bằng xe máy trên những con đường đất dơ bẩn bụi bặm xuống Rubaya, một trong vài khu thị tứ tương đối có dân cư đông đúc ở vùng mỏ.
Sau khi cân và phân loại quặng, các thợ mỏ sẽ được trả 5 đô la Mỹ cho một ngày làm việc còng lưng để làm ra những chiếc điện thoại thông minh giá 500 đô la Mỹ.
Với lương tối thiểu 3 đô la Mỹ mỗi ngày ở Congo, khoảng 1.400 lao động ở đây đã chấp nhận công việc cực nhọc này để kiếm sống và nuôi gia đình.
Apple, nhà sản xuất iPhone, và Samsung Electronics, sản xuất Galaxy, thừa nhận họ có sử dụng quặng coltan ở Congo trong các sản phẩm của mình.
Apple cũng nói sẽ tiếp tục mua quặng ở đây.
“Apple tiếp tục gắn bó với những cơ hội phát triển kinh tế và tạo ra cơ hội cho vùng mỏ không có chiến sự ở CHDC Congo và các nước láng giềng”, Apple nói trong một báo cáo với Ủy ban chứng khoán Mỹ hồi tháng 2/2015.
Apple cũng cam kết các nhà cung cấp của họ phải tuân thủ quy định “mọi người lao động được đối xử với sự tôn trọng và đảm bảo phẩm giá”.
Samsung nói hãng “thừa nhận sự nghiêm trọng của những xâm hại nhân quyền và vấn đề ô nhiễm môi trường ở Congo”.
Nhưng ở Luwow, không hề có quy chuẩn nào về an toàn lao động. Một tay cai sẽ hối thúc hàng trăm thợ mỏ phải làm việc nhanh hơn và chăm chỉ hơn. Các sự cố lao động xảy ra liên tục ở đây và một vụ lở đất tháng trước đã giết chết 7 thợ mỏ sau khi một đường hầm đào sơ sài sụp đổ.
Nhiều trẻ em, có khi mới 10 tuổi, cũng làm việc ở các khu mỏ khắp Congo, nhưng ở Luwow thì chưa thấy.
Được thực dân Bỉ phát hiện gần một thế kỷ trước, khu mỏ này và hàng chục khu khác ở vùng miền đông giàu khoáng sản của Congo đã bị khai thác tàn bạo bởi chế độ thực dân, các nhà độc tài rồi những lãnh chúa quân phiệt địa phương.
Các loại khoáng sản quý giá, uranium, vàng, quặng thiếc, và giờ là coltan, đã giúp các nước giàu đạt được hàng loạt tiến bộ kỹ thuật.
Uranium được khai thác từ một mỏ ở Shinkolobwe chính là loại đã dùng chế tạo quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 và phần lớn lượng plutonium sử dụng trong quả bom ném xuống Nagasaki 3 ngày sau đó.
Khu mỏ do thực dân Bỉ quản lý, ở tỉnh miền nam Congo Katanga, tiếp tục cung cấp uranium cho các vũ khí hạt nhân của Mỹ tới năm 1960.
Tiền thu được từ các khu mỏ này đã được dùng cho những cuộc nội chiến tàn phá Congo suốt mấy thập kỷ qua.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2001 về: “Những nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bất hợp pháp” nói việc bán coltan và các kim loại quý hiếm khác cho những công ty đa quốc gia là “động cơ cho cuộc xung đột ở Congo”.
Trong nhiều năm, mỏ Luwow do các nhóm phiến quân Rwanda kiểm soát. Tổ chức vũ trang này, Mặt trận dân tộc bảo vệ nhân dân (CNDP) đã giúp nhà lãnh đạo nổi tiếng Laurent Kabila lật đổ nhà độc tài Mobutu Sese Seko năm 1997 và từ đó tới nay là lực lượng kiểm soát trên thực tế đông Congo. CNDP bị cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ bùng phát thành cuộc chiến Congo lần thứ hai giai đoạn 2006 – 2008.
Những phần tử tách ra từ CNDP sau đó đã hình thành nhóm phiến loạn M23 khiến khu vực này tiếp tục chìm trong khói lửa. Ít nhất 800.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh.
Quặng khai thác ở Luwow được bán ở Rwanda, khiến nước này trở thành nhà xuất khẩu coltan lớn nhất thế giới, dù chính Rwanda không hề có mỏ.
Theo vntinnhanh.vn
>>> Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?