Công an Đồng Nai cáo buộc ông Thụy khi còn là cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đã nhận hơn 800 triệu đồng để ‘làm ngơ’ cho đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.
Theo báo Vnexpress, hành vi của ông Ngô Văn Thụy (58 tuổi) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ với khung hình phạt từ 15 – 20 năm tù.
Cáo buộc được đưa ra sau một năm Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện chuyên án 920G triệt phá đường dây buôn lậu, làm giả 200 triệu lít xăng.
Ba đối tượng Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), người cầm đầu đường dây; Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, quê Vĩnh Long) và 70 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội Buôn lậu với khung hình phạt 12 – 20 năm tù.
Đại gia mua chuộc cán bộ cấp cao
Theo kết luận điều tra, Hữu và Tứ đều là các đại gia có tiếng trong ngành xăng dầu. Từ năm 2019, Hữu và Tứ móc nối với nhiều giám đốc công ty góp vốn thuê tàu biển trọng tải lớn của Viễn buôn lậu xăng từ Singapore về. Khi xăng về vùng biển Việt Nam, Hữu điều các tàu Nhật Minh 07 – 09 ra nhận chở vào khu vực sông Hậu, Vĩnh Long để đưa đi các tỉnh tiêu thụ.
Đầu năm 2021, Ngô Văn Thụy khi ấy đang là Đội Trưởng kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam – Đội 3 (phụ trách khu vực từ Bình Thuận trở vào), nhận được tin tàu Nhật Minh chở xăng lậu về khu vực xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) nên triển khai toàn bộ lực lượng cùng hàng chục cán bộ về TP. Cần Thơ bắt giữ.
Biết tin các tàu Nhật Minh sẽ bị bắt, Tứ báo cho Hữu biết. Được lệnh của đại gia, Tứ nhờ một cán bộ hải quan thuộc Đội 3 giới thiệu gặp Thụy để mua chuộc.
Ngày 25/1/2021, biết Thụy đang cùng đoàn xuống Cần Thơ triển khai việc bắt giữ tàu Nhật Minh, Tứ gọi điện xin gặp. Được đồng ý, Tứ liền cùng đàn em Trần Ngọc Thanh mang phong bì 10.000 USD đến gặp Thụy ở nhà hàng Biển Đông (TP. Cần Thơ), nhờ Thụy “tạo điều kiện cho các tàu Nhật Minh của Hữu chở xăng về Mỹ Hòa bán cho em”.
Thụy trả lời “Anh không hứa” rồi cùng Tứ, Thanh đến nhà hàng Lúa Nếp ăn trưa cùng đoàn công tác.
Ba ngày sau, Tứ và Thanh bỏ thêm một thẻ ATM trong tài khoản có 100 triệu đồng vào phong bì 10.000 USD đến nhà Thụy ở TP.HCM tiếp tục đặt vấn đề không bắt tàu Nhật Minh. Thụy vẫn nói “Anh không hứa” rồi mời cả hai lên lầu ăn cơm.
‘Anh không hứa’ nhưng ‘để cho làm đến Tết’
Trước khi lên lầu ăn, Tứ để phong bì tiền vào hộc tủ phòng khách nhà Thuỵ. Lúc về, Tứ nói cho cán bộ hải quan biết mật khẩu thẻ ATM là 4 số cuối điện thoại của mình.
Sáng hôm sau, Tứ tiếp tục gặp Thụy ăn sáng, song vẫn chưa được ông này đồng ý việc “bỏ qua” cho tàu Nhật Minh nên báo cho Hữu. Lúc này, ông “trùm” buôn lậu xăng mới ra mặt, xin gặp Thụy tại nhà riêng.
Sau khi đến nhà Thụy, Hữu lấy cọc tiền 500 triệu đồng từ cốp xe vào để ở ghế phòng khách nói với Thụy rằng “Có chút quà gửi em đi Bắc”. Thụy nói với Hữu “Em để anh làm đến Tết, sau Tết có gì gặp nhau tính”. Hữu hiểu là Thụy đã đồng ý nên không nói gì thêm, xin phép ra về.
Cơ quan điều tra xác định, sau khi nhận được điện thoại của cấp dưới giới thiệu Tứ muốn gặp, Thụy biết việc bắt giữ bị lộ nên lệnh cho toàn đội rút về TP.HCM. Thụy được cho là không báo cáo lãnh đạo việc triển khai kế hoạch bắt tàu Nhật Minh cũng như việc rút quân và đề xuất kế hoạch tiếp tục theo dõi nguồn tin về các tàu này.
Theo báo Tiền Phong, trong quá trình thực hiện mua bán xăng lậu, do xăng có màu trắng, trong khi thị trường tiêu thụ xăng trong nước có màu vàng nhạt, do đó, để không bị phát hiện và thuận lợi trong tiêu thụ, Hữu sử dụng bột màu và dung môi cho người đưa lên tàu pha chế thành màu vàng nhạt để giống xăng trong nước. Tiếp đó, xăng được sang qua các tàu bán cho các đầu mối lớn có kho chứa. Từ đây xăng lậu tiếp tục được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Ngày 6/2/2021, Công an Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu bắt quả tang nhiều người đang pha chế, sang chiết xăng giả. Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng bị cảnh sát ập vào kiểm tra, bắt giữ những người liên quan.
Đến thời điểm bị triệt phá, đường dây của Hữu, Viễn và đồng phạm đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng giả, trị giá gần 2.900 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Hai tuần sau đó, Thụy cũng bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Thụy thừa nhận việc gặp và nhận tiền từ Hữu, Tứ và Thanh tại nhà riêng. Số tiền 500 triệu và 10.000 USD Thụy đã tiêu xài hết. Còn thẻ ATM, Thụy nhờ người nhà kiểm tra mật khẩu có đúng như Tứ cung cấp không, nhưng người này không hiểu ý, đã rút 50 triệu đồng mang về đưa lại cho Thụy. Thụy sau đó yêu cầu người nhà nộp lại số tiền này vào tài khoản.
Tuy nhiên sau đó Thụy lại thay đổi lời khai, phủ nhận việc nhận tiền để không bắt giữ tàu Nhật Minh như lời khai của Tứ và Hữu.
Cơ quan điều tra cho đối chất, song Thụy chỉ thừa nhận việc cả hai đại gia xăng dầu có đến nhà để “ngỏ ý biếu quà” chứ không “thỏa thuận” tiếp tục cho Hữu buôn xăng lậu. Song qua khám xét, cảnh sát thu giữ thẻ ATM của Tứ tại nhà Thụy.
Ngoài Thụy, trong vụ án còn có nhiều cán bộ là quân nhân trong lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, được cho là “bảo kê” cho Hữu và các đồng phạm…
Vũ Tuấn (t/h)