Vợ chồng ông Kurt và bà Sang, hai con người đã đổ bao tâm sức cải thiện đời sống khốn khó của dân nghèo đất Việt, đã đón ăn Tết vô cùng bình dị và thoáng chút buồn vì sắp phải từ bỏ nơi mà họ hết mực yêu quý.
Giữa năm 2014, câu chuyện về vợ chồng ông Kurt (SN 1938, người Đan Mạch) và người vợ Việt tên Tiêu Thị Ngọc Sang (sinh năm 1947, quê Quảng Ngãi) đã tốn không ít giấy mực của báo chí, cũng như sự đồng cảm của cộng đồng.
Là một người rất yêu Việt Nam, ông và vợ đã cùng với các tổ chức thiện nguyện tham gia xây 24 cây cầu và 6 trường học ở các vùng xa xôi hẻo lánh, dân tộc ít người. Sau đó với mong muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam, ông và vợ đã mua đất để đầu tư nhưng cuối cùng lại trắng tay vì sự gian xảo lọc lừa của một số người. Vào thời điểm đó, sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng đã giúp vợ chồng ông Kurt nhận lại được những quyền lợi nhất định để có thể an dưỡng tuổi già trên chính mảnh đất mà ông bà hết lòng yêu mến.
Thấm thoát đã gần 2 năm trôi qua, người ta có dịp ghé thăm ông bà và chứng kiến một cái kết buồn.
Mai vàng không nở trên đồi cát
Ngày trở lại, mọi thứ vẫn vẹn nguyên. Ngôi nhà của ông bà Kurt vẫn lặng lẽ giữa đồi cát trắng ven QL1A, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Có chăng sự đổi khác bây giờ là nơi này đã có thêm rất nhiều cây xanh và sự xuất hiện của một tấm bảng “bán nhà” được treo trước cổng.
Tấm biển bán nhà được treo trước cổng nhà khiến không ít người bất ngờ trước quyết định này của ông bà Kurt.
Ông Kurt ngồi trầm ngâm trong chiếc chòi trước nhà, bỗng nghe tiếng bước chân người đến, gương mặt ông sáng bừng vui vẻ như thể đã lâu lắm rồi nơi này mới có khách đến thăm. Bà Sang đang tất bật cho đàn gà ăn sau vườn cũng vội vàng chạy lên chào mừng những vị khách phương xa.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhưng không khí trong ngôi nhà không có vẻ gì là đã được chuẩn bị sẵn sàng để đón xuân. Không mai, không đào, không bánh mức, mọi thứ trên ngọn đồi cát này dường như chẳng có gì khác ngày thường. Bà Sang cười hiền: “Ở đây làm gì có Tết. Từ ngày về đây sống, cô và dượng hai ít tiếp xúc với xã hội, chỉ biết trồng cây nuôi gà, tận hưởng cuộc sống tuổi già, thế nên ngày Tết cũng như ngày thường thôi”.
Trong nhà mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, không được bày biện hay trang hoàng để đón Tết Nguyên Đán.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi sáng, ông bà thức dậy từ lúc 5h rồi cùng nhau tưới từng gốc cây, bụi hoa trong khuôn viên nhà đến tầm 8h sáng. Sau đó vợ chồng bà Sang cùng ăn sáng bằng những món đơn giản như ngũ cốc hay bánh mỳ, rồi nhâm nhi cốc cà phê trong chiếc chòi trước nhà. Cuộc sống cứ thế trôi qua, lặng lẽ, an nhiên.
Những điều tưởng chừng rất bình dị…
Nhưng có lẽ đối với hai vợ chồng già, đó là sự bình yên.
Trước đây bà Sang có nuôi một đàn gà. Nguồn thu nhập từ đàn gà cũng giúp bà chi trả một số khoản cho gia đình và sắm sửa vài thứ, nhưng kể từ lúc bị trộm, đàn gà chỉ còn vài con.
“Giờ chỉ còn khoảng vài con gà, nuôi lấy trứng cho dượng hai tẩm bổ, chứ cũng không buôn bán gì Mọi thu nhập bây giờ chủ yếu dựa vào những đồng lương hưu ít ỏi của dượng hai mà thôi…”, bà Sang tâm sự.
Hết duyên hết nợ, trở về cố hương
Khi chúng tôi thắc mắc về tấm bảng bán nhà, bà Sang thật lòng tâm sự: “Cô và dượng hai những tưởng sẽ gắn bó ở mảnh đất này đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Vì dù gì cô cũng là người Việt Nam, còn dượng thì luôn nặng lòng với con người xứ sở này. Dượng dành hơn 20 năm để đi bắt cầu, xây trường cho người dân vùng sâu vùng xa, sống cùng người Việt, lo cùng người Việt, nên dượng xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Thế nhưng có lẽ giờ đây cô phải đưa dượng trở về quê hương của ông ấy rồi”.
Năm 1991, trong một lần đến du lịch tại Việt Nam, ông Kurt Lender Jensen (1937) đã gặp và phải lòng bà Tiêu Thị Ngọc Sang (1946) – người phụ nữ bán chôm chôm ở Sài Gòn. Một năm sau, ông trở lại Việt Nam và ngỏ lời cưới bà Sang, rồi bảo lãnh bà sang định cư tại Đan Mạch.
Năm 1996, sau một lần cùng vợ về thăm quê hương, ông được chứng kiến những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng cao Lâm Đồng, và đã quyết định sẽ ở lại giúp người dân làm cầu treo và xây trường học. Thời gian đầu bà Sang phải đi đi về về giữa Việt Nam và Đan mạch để giúp ông Kurt xây cầu, nhưng sau khi cây cầu đầu tiên được hoàn thành tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thì bà chuyển về ở Việt Nam để cùng ông thực hiện công việc ý nghĩa này.
Miệt mài với công việc, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè cũng như sự hỗ trợ của đại sứ quán Đan Mạch, ông bà Kurt đã xây được 24 chiếc cầu và 6 ngôi trường dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam.
Về sau, tuổi bắt đầu lớn dần, sức khỏe cũng yếu, đồng thời các vấn đề về thủ tục hành chính phức tạp khiến ông bà Kurt không thể tiếp tục công việc của mình. Năm 2011, trải qua nhiều thâm trầm trong cuộc sống, ông bà quyết định lựa chọn mảnh đất khô cằn nắng gió ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) để sống quãng đời còn lại.
Từ một hoang sơ trống trải, giờ đây mảnh đất của ông bà đã trở nên xanh mát và đầy sức sống. Cần mẫn như một chú ong, ông Kurt tỉ mỉ xây từng viên gạch cho tổ ấm của mình, bà Sang thì cẩn thận trồng từng gốc cây để nuôi mầm sống.
Cả ông Kurt và bà Sang đều chưa từng nghĩ sẽ có một ngày phải bán đi tổ ấm này, thế mà giờ họ phải làm điều đó.
Nhiều lần bà Sang ngỏ ý muốn làm thủ tục cho ông Kurt nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành được. Cứ định kỳ 3 tháng, người phụ nữ này lại phải lặn lội lên Phan Thiết để thực hiện thủ tục gia hạn visa cho chồng. Chưa kể việc con đường trước nhà mới nâng cấp, được xây dựng thêm một con lương rất dài, khiến việc di chuyển từ bên kia đường sang nhà cũng khó khăn hơn. Bà Sang nói: “Tôi đã gần 70 rồi, giờ còn sức khỏe thì còn đi được, nhưng đến lúc già yếu, thì biết làm sao?…”.
Vì lẽ đó, ông bà quyết định bán đi ngôi nhà này để có tiền trở lại Đan Mạch sống những ngày còn lại của tuổi già. “Bán được nhà, cô sẽ lo cho dượng về trước, rồi cô thu xếp xong sẽ về sau. Dù lòng cô và dượng còn mong được giúp những người nghèo ở quê hương mình lắm, nhưng chắc có lẽ giờ không còn đủ sức nữa rồi!”.
Theo Trí Thức Trẻ