Lời kể của một người đầu tiên chứng kiến cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn.
Trước ngày 04 tháng 6, tôi là nhà báo cho một tạp chí. Trong những tháng đầu năm 1989, tôi đã tham gia rất nhiều diễn đàn chính trị. Có nhiều điều đang diễn ra đến mức chính quyền không có hy vọng kiểm soát được tất cả. Có những cuộc diễu hành lớn với sự tham dự của đủ loại người có ảnh hưởng, từ những người nổi tiếng cho đến các nhà báo từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Khi phong trào Thiên An Môn phát triển, các sinh viên đã đứng thành những hàng rào sống với các tấm biểu ngữ khổng lồ, và bạn phải đi qua các trạm kiểm soát. Họ đang tuyệt thực để phản đối, đây là thành trì của họ, và họ lo ngại rằng các đặc vụ của chính quyền sẽ xâm nhập vào quảng trường. Tôi có thẻ nhà báo, vì vậy tôi có thể đi thẳng vào giữa quảng trường Thiên An Môn tới chỗ Nhà tưởng niệm các anh hùng, nơi các lãnh đạo sinh viên đang ở.
Mọi người từ khắp Bắc Kinh đang ủng hộ phong trào này bằng cách mang đến thực phẩm và nước. Vì vậy, những người ở các lớp an ninh bên ngoài ăn rất tốt, và thực phẩm cũng đã được chuyển vào giữa cho những người lãnh đạo, nhưng những người ở giữa đã khá đói. Họ quá trẻ nên không thể làm tất cả mọi thứ đúng ngay được!
Chính quyền sớm cho thấy lập trường cứng rắn hơn của họ. Có những tuyên bố rằng phong trào này là không có lý trí, bị các thế lực nước ngoài kiểm soát, chống lại chính quyền. Họ yêu cầu mọi người trở lại trường học và ngừng tham gia biểu tình, và đã đưa ra thời hạn một tháng để các sinh viên tuân theo. Tình trạng thiết quân luật được ban hành, nhưng họ không có cách nào để thực thi cả.
Sinh viên từ khắp nơi đã đổ về Bắc Kinh và rất nhiều người đã không biết phải làm gì sau khi đã đến đó. Hệ thống các đường dây an ninh đổ vỡ và các việc đã sớm vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các lãnh đạo sinh viên.
Những người lãnh đạo sinh viên cũng không biết được nơi để lấy nó, điều mà họ nên nhắm tới là gì.
Các binh lính và xe quân đội cũng đang vào thủ đô, nhưng các cư dân thành phố đã chặn các đường phố xung quanh và không để cho họ đi qua. Vì vậy, họ bắt đầu đến trong quần áo thường phục với trật tự lỏng lẻo để tìm cách đến Thiên An Môn. Các cư dân thành phố chỉ liếc một cái là đã có thể nhận ra họ là ai và tiếp tục ngăn chặn họ. Chúng tôi không có điện thoại di động vào thời đó, nhưng thông tin đã truyền tới những người lãnh đạo sinh viên và các lệnh đã được đưa ra, kiểu như “có rất nhiều binh lính đến từ hướng này” nên họ sẽ gửi thêm người tới đó.
Trong những ngày đầu tháng 6, tôi đã biết được từ những người bạn có quan hệ cao, rằng một điều gì đó lớn sắp xảy ra. Tôi nói với các lãnh đạo sinh viên rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lên kế hoạch cho một việc gì đó lớn và máu sẽ đổ.
Lúc đó quảng trường hầu như không có ai vào ban ngày, vì hầu hết các sinh viên đi đến các chỗ chắn đường và trở về quảng trường để ăn và ngủ. Các lều trại đã được mang đến từ Hồng Kông, và cũng có những nhà vệ sinh di động.
Tối ngày 3 tháng 6, những làn sóng sinh viên quay trở lại quảng trường để ăn tối và nghỉ ngơi. Quân đội đã bao vây quảng trường, và binh sĩ đang mang súng máy. Các lãnh đạo sinh viên truyền nhau thông điệp bảo mọi người ở lại quảng trường và không quay trở lại các chỗ chắn đường nữa, như thế sẽ có sức mạnh đoàn kết. Nhưng rất nhiều sinh viên không tin rằng sắp có chuyện lớn. Một số có bạn bè đang đợi họ trở lại các chỗ chắn đường và không muốn bị coi như đang rút lui. Cũng khó có thể truyền thông điệp đó đến tất cả mọi người.
Bản thân các lãnh đạo sinh viên cũng đang tranh cãi nảy lửa với nhau về việc cần phải làm gì. Một số nghĩ rằng họ cần phải sẵn sàng đổ máu, và không sợ chết. Những người khác muốn gặp chính quyền để thảo luận. Rất nhiều người nghĩ rằng quân đội sẽ tiến vào, nhưng ít người tin rằng chính quyền sẽ bắn giết.
Nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ điều đó. Tôi hơn họ ít tuổi và tôi biết ĐCSTQ dám làm những điều khủng khiếp.
Khoảng 10:30 tối hôm 03 tháng 6, tôi đi đến Muxudi, một nơi gần Quảng trường Thiên An Môn phía trong rào chắn sinh viên. Do vị trí chiến thuật của nó, có người nói rằng đó là nơi đầu tiên sẽ có nổ súng. Nó nằm ở đầu đường Trường An, một con đường rộng dẫn thẳng đến quảng trường Thiên An Môn.
Một người đàn ông đứng cách tôi khoảng 2 mét đang đứng trên một chiếc xe đạp và nhìn ra ngoài qua một rào chắn bằng xe đạp, về phía hàng ngàn và hàng ngàn binh lính đã tập trung lại. Có một tiếng súng nổ, và anh ngã xuống đất.
Tôi nghe ai đó nói: “Ôi, họ vừa bắn!”
Một người khác nói: “Không thể nào, anh ấy chỉ bị ngã thôi”. “Không, anh ấy đang chảy máu, anh ấy bị thương rồi!”
Rất ít người tin rằng chính quyền sẽ bắn giết
Nhiều tiếng súng bắt đầu nổ. Đó chỉ là đạn cao su thôi, mọi người suy đoán. “Đừng đứng quá cao, bạn có thể bị trúng đạn đấy”, một người nói. Ai đó cố gắng coi nhẹ tình huống, “chỉ là cánh tay của anh ấy thôi, anh ấy vẫn ổn, đừng lo!” Không ai thực sự tin được điều đang xảy ra.
Những tiếng súng vẫn tiếp tục nổ, nhưng khó mà biết được những gì đang xảy ra trước. Tất cả chúng tôi đang đứng trên cùng một độ cao và trời thì tối. Nhưng ngay sau đó hết thi thể này đến thi thể khác được khiêng qua, những người khác đang đi khập khiễng hoặc được dìu đi.
Tôi giữ chặt máy ảnh của mình và chuẩn bị bắt đầu chụp thì một người đàn ông tóm lấy tôi và nhìn vào mắt tôi. “Này cô, cô muốn chết à?”. Tôi nói với anh ta: “Tôi muốn chụp ảnh!” “Không, quá nguy hiểm!”, anh nói.
Anh ra hiệu qua một khoảng đất có các cây cổ thụ với thân dày cạnh một con kênh gần đó. Đằng sau mỗi cây là một hàng người đang nấp mình tránh làn đạn. Một người ngã xuống, và được mang đi. Rồi một người nữa. Lại một người nữa. Liên tục. Ở đâu đó có người gào lên “Phát-xít!” hay “Tiêu diệt ĐCSTQ!”, hoặc bất cứ nơi nào có ánh đèn flash máy ảnh chớp lên, thì đó là nơi các viên đạn bay đến. “Thấy không?” Người đàn ông nói. “Nếu cô chụp ảnh, chẳng phải là cô sẽ hại tất cả mọi người sao?”
Chúng tôi nghe thấy tiếng những chiếc xe đạp bị nghiền nát khi các xe tăng cán qua rào chắn này. Các binh lính chụp những chiếc xe đạp và quẳng chúng xuống sông. Đạn đang bắn thia lia các bức tường bê-tông của con kênh, và chúng không phải là đạn cao-su. Một chớp sáng lóe lên khi một viên đạn găm vào một chỗ cách chân tôi khoảng một mét.
Vào khoảng 2:30 sáng, tôi rời Muxudi. Tôi đã chụp được vài bức ảnh của những người bị thương và chết. Tiếng chửi rủa đã ngừng lại, và không có ánh đèn flash máy ảnh, chỉ có tiếng súng nổ và tiếng khóc bị kìm nén. Ở khắp nơi mọi người đang lặng lẽ đứng nhìn. Con kênh chất đầy xe đạp bị nghiền nát, một số xe quân đội đã bị tấn công và bị đốt, và không khí đầy mùi cao-su cháy.
Tôi đã không dám nhìn. Điều gì đã xảy ra với bạn bè của tôi? Điều gì đang xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn?
Khi ánh sáng ban ngày rọi đến, các máy bay đã bay trên khu vực với loa phóng thanh phát oang oang những lời tuyên bố của chính quyền: “Thiết quân luật đã được ban hành. Đừng bị lừa bởi các Bạo tử” (chỉ những người biểu tình, nghĩa là: “phần tử bạo động”).
Trên mặt đất, binh lính đang tiến nhanh tới Quảng trường Thiên An Môn. Loa phóng thanh phát oang oang về phía binh lính: “Hãy dũng cảm tiến lên!” “Đừng sợ! Hãy hoàn thành mệnh lệnh! Chính quyền tự hào về tất cả các anh!”
Nian Hu (Theo The Epoch Times)