Hóc xương tưởng chừng như chỉ là chuyện bình thường nhưng nếu không biết cách xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng.
Nguyên nhân dẫn tới hóc xương
– Ăn uống vội vàng, nuốt vội
– Cười đùa trong lúc ăn
– Say rượu
– Ăn cả xương, không phát hiện ra có xương mà nuốt luôn.
Cách xử lý khi gặp trường hợp hóc xương
Ngay khi có dấu hiệu hóc xương, việc cần làm đầu tiên là dừng bữa ăn ngay lập tức, cố gắng nôn ọe ra càng nhanh càng tốt. Theo Trí thức trẻ, với những xương nhỏ thì có thể dùng tỏi cay cho vào phía ngoài mũi để giúp hắt xì. Ví dụ hóc xương ở bên phải họng thì để tỏi ở lỗ mũi bên trái rồi bịt lỗ mũi bên phải lại thở bằng miệng. Khi đó, tỏi sẽ giúp bạn hắt xì hoặc nôn ra.
Tuy nhiên, khi đã bị hóc xương lớn hoặc vào sâu thì tuyệt đối không dùng mẹo mà cần tới gặp bác sĩ ngay trong 6 giờ đầu để kịp thời xử lý. Không cố gắng nuốt miếng lớn để tránh xương đâm thủng ở bất kỳ chỗ nào trong đường tiêu hóa. Hóc xương có 2 vị trí là hóc xương vùng trên họng và xương hóc sâu.
– Đối với hóc xương trên họng:
Bác sĩ sẽ soi bằng gương và gắp xương dễ dàng.
– Đối với hóc xương sâu:
Sức khỏe và đời sống cho biết, bác sĩ sẽ dùng ống soi họng hoặc thực quản để gắp xương. Sẽ điều trị phức tạp hơn đối với trường hợp hóc xương ở thực quản có biến chứng nhiễm khuẩn. Lúc đó còn phải hút mủ ổ viêm, đặt sonde mũi dạ dày.
– Phải phẫu thuật mở lồng ngực dẫn lưu ổ áp-xe và lấy dị vật khi nội soi thất bại đối với trường hợp rất nặng.
Theo xahoi.com.vn