Trong bối cảnh lệnh giãn cách xã hội do đại dịch virus Vũ Hán gây ra, chúng ta phải làm quen dần với việc sống trong nhà cả ngày. Nhiều người cho rằng điều này thật cô đơn và quá buồn tẻ. Tuy nhiên, đối với một cặp vợ chồng nọ, họ lại gần như chẳng hề bận tâm đến điều đó.
Nằm cách quận Tofino, tỉnh Columbia, Anh hơn 16km về phía bắc, cặp đôi Catherine King và Wayne Adams hiện đang sinh sống trên một “hòn đảo” nổi giữa bề mặt sông, được gọi là “Freedom Cove”.
“Freedom Cove” là một công trình đặc biệt do chính tay cặp đôi tự tạo nên bằng những vật liệu tái chế, hoặc thu vớt được từ sông, đã trở thành mái ấm của cả hai trong suốt 29 năm qua.
“Hòn đảo” này nằm cách thị trấn gần nhất 25 phút đi thuyền và đây cũng là phương tiện duy nhất để di chuyển. Ông Adams cho hay: “Đường thủy là con đường duy nhất để ra được đây. Không có đường bộ nào nối tới đây hết. Đường sông chính là xa lộ của chúng tôi”.
Khi bước chân lên hòn đảo, đập vào mắt chúng ta đầu tiên là những tòa nhà mang sắc đỏ tươi với viền màu ngọc lam tối. Một cổng vòm được làm từ xương cá voi để chào đón khách đến thăm. Khu công trình này có đầy đủ hết thảy mọi thứ mà chúng ta có thể nghĩ tới bao gồm: sàn nhảy, phòng trưng bày nghệ thuật, nhà máy sản xuất nến, 4 nhà kính, 6 tấm quang năng và một thác nước nhỏ cung cấp nguồn nước cố định cho hòn đảo.
Khởi sinh của hòn đảo nhân tạo nặng gần 500 tấn
Trước khi xây dựng hòn đảo, cặp đôi này đã từng lưu trú tại một ngôi nhà gỗ của người bạn tại Vịnh Cypress. Sau đó, một cơn bão lớn đã ập đến đánh sập rất nhiều cây cối. Khi đó cặp đôi King và Adams đã nảy ra ý tưởng thu nhặt toàn bộ số gỗ bị bão đánh sập để làm nền móng xây nên công trình đồ sộ này.
Ông Adams nhớ lại: “Tôi đoán chúng tôi được báo hiệu rằng, đây chính là thời khắc để bắt đầu”.
Toàn bộ phần kiến trúc là hai thành phố nhỏ, nổi trên mặt sông với sức nặng khoảng 453 tấn. Công trình này không thả neo xuống đáy sông, mà sử dụng những dây nối để neo vào bờ.
Trong quá trình phát triển và xây dựng hòn đảo của mình, cặp đôi đều tuân theo một nguyên tắc chính là chỉ sử dụng các vật liệu tái chế hoặc thu gom được ở mặt sông. Nhiều bộ phận làm nhà được họ đi xin từ những người khai thác gỗ và ngư dân tại khu vực. Ông Adams sẽ đổi những tác phẩm nghệ thuật của mình để lấy một số vật dụng cũ của mọi người, bất kể đấy là cần câu cá cũ hay phao bơi.
Ví dụ như một miếng kính Acrylic thu được từ Sân Khúc gôn cầu Victoria, đã trở thành một miếng kính lát sàn trong phòng khách, nhờ đó mà ông Adams có thể ngồi thư giãn thoải mái trên ghế để câu cá một cách dễ dàng.
Vậy còn chất thải sẽ được đưa về đâu?
“Đây là câu hỏi phổ biến mà chúng tôi thường nhận được”, ông Adams nói.
Để xử lý tình huống đó, cặp đôi đã xây một chiếc bể nổi, mà theo như lời của ông Adams thì dùng “để xử lý nhiều thứ”.
Bắt đầu từ những khó khăn cho đến những chuỗi ngày yên bình
Trước khi có thể sinh hoạt một cách thoải mái như vậy, giai đoạn đầu hòn đảo nổi của họ còn không có hệ thống nước và điện.
Bà Kings nhớ lại: “Chúng tôi có nhiều thứ ngốn điện như máy chế biến thực phẩm và nhiều vật dụng khác. Khi đó chúng tôi đã phải cho đi những món đồ ấy và bỏ đi nhiều đồ vật khác”.
Và điều đặc biệt nữa là để có được một món gì đó, họ buộc phải bắt tay vào tự làm: “Sống ngoài này thì bạn không thể muốn cái gì đó thì ngay lập tức sẽ có được. Chúng tôi không thể gọi đặt một cái pizza, cũng không thể đi tới một cửa hàng bán nhu yếu phẩm. Tại đây nếu muốn có thứ gì, bạn phải làm việc thì mới được”.
Bà cũng cho biết, việc xây dựng hòn đảo này cũng là một quá trình học tập, thay đổi và rèn luyện. Ví dụ như bà thường sẽ bắt đầu một ngày mới bằng việc quét và rũ bụi khỏi những tấm thảm.
“Sống trong hoang dã sẽ luôn tồn tại bụi bẩn”, bà Kings nói.
Tiếp đó, bà sẽ tưới nước cho hàng nghìn loại cây trồng và rau củ trong vườn, tất cả đều được bà gieo trồng từ các hạt giống, rồi chèo xuồng ra khơi để thu thập rong biển làm phân bón.
Ông Adams thì bắt đầu ngày mới bằng việc thu gom củi để tạo lửa giữ ấm cho ngôi nhà. Cả ông và bà Kings đều cùng nhau xây dựng cho căn nhà của mình ngày một hoàn thiện.
“Đây là một dự án. Một dự án nuôi trồng thực phẩm để cung cấp cho cả nhà. Ngoài ra, nó còn là một dự án nghệ thuật. Một dự án cung cấp chỗ để khiêu vũ, chơi nhạc và làm mọi thứ một cách tự nhiên, thoải mái nhất mà chúng ta vốn sẽ không thể làm được nếu ở thành phố”, bà Kings chia sẻ.
Những vị hàng xóm ‘khác thường’
Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi rằng, liệu có khi nào họ cảm thấy buồn chán khi không hề có bất kì người hàng xóm nào xung quanh? Nhưng thực ra họ không hề cô đơn chút nào, vì vẫn luôn có những vị khách đặc biệt ghé thăm ngôi nhà của họ.
“Có một vài con quạ cư trú tại đây, chúng là một phần của mái ấm. Chúng tôi biết rõ về tất cả những loài chim có tại đây”, ông Adams cho hay.
“Chúng tôi còn đặt tên cho một con vạc là Harrt, một con hải cẩu là Sylvie và hai con chim mòng biển là Gertrude và Heathcliff… Tôi từng sống tại thành phố lớn và hiểu rõ cuộc sống tại đó như nào. Kỳ thực tôi cần sự bình yên chốn xa xôi”.
Hiện tại mặc dù đã trải qua 29 năm sống trên hòn đảo, cặp đôi vẫn thấy rằng nơi đây luôn là mái ấm tuyệt vời nhất đối với họ.
“Khi về thành phố, tôi bị sốc bởi những tiếng ồn. Đầu óc tôi trở nên hỗn loạn và tôi dễ bị mất tập trung… Chúng tôi đã chạm khắc nên một thế giới riêng của mình tại đây. Chúng tôi sinh sống một cách khác biệt so với mọi người trên hành tinh này”, Bà Kings chia sẻ.
Vậy về vấn đề say sóng thì sao? Ông Adams cho biết: “Tôi không bị say sóng. Nhưng khi về thành phố, tôi sẽ bị ‘say đất liền’”.
Nếu muốn, cả hai có thể hoàn toàn tự sinh sống trên hòn đảo Freedom Cove mà không cần phải về đất liền nữa. Là những người nghệ sĩ, cặp đôi King và Adams luôn có niềm say mê và nguồn cảm hứng bất tận với thiên nhiên.
Chúc Di (Theo Epoch Times)