Tinh Hoa

Cách giáo dục sai lầm khiến trẻ em Trung Quốc không ngừng tự tử

Những năm gần đây, hiện tượng học sinh Trung Quốc đại lục tự tử đã khiến người ta giật mình. Chỉ trong vài ngày qua, nhiều vụ học sinh tự tử đã xảy ra. Một số phụ huynh Đại lục cho biết, trong nhóm WeChat của họ, chỉ trong vòng một tuần đã có 4 vụ tự tử của học sinh cấp 2 mà chưa được đưa tin. Theo nghiên cứu, cứ mỗi phút ở Trung Quốc có 2 thanh thiếu niên tự tử và 8 người tự tử không thành.

Giáo dục sai lầm, cứ mỗi phút ở Trung Quốc có 2 thanh thiếu niên tự tử và 8 người tự tử không thành. (Ảnh: Themarker)

Truyền thông Đại lục đưa tin, vào ngày 2/9, Trường Thông tin và Kinh doanh của Đại học Bắc Trung Quốc đã thông báo về sự cố một sinh viên rơi từ tòa nhà của trường; vào ngày 19/9, một nữ nghiên cứu sinh tại Đại học Nam Kinh đã tự tử bằng cách nhảy từ ký túc xá; cùng ngày, huyện Ninh Hải, Chiết Giang cũng thông báo có một nữ sinh trường Trung cấp nghề số 1 nhảy lầu tự sát; vào ngày 17, một học sinh trung học cơ sở 14 tuổi đã nhảy từ một tòa nhà ở Vũ Hán.

Một người dùng Twitter thở dài cho rằng, học sinh tiểu học vì gặp phải cô giáo bợ đỡ xu nịnh, nên mới tự tử. Học sinh cấp hai gặp phải sự ngược đãi, chửi rủa điên cuồng từ cha mẹ nên mới tự tử. Học viên cao học bày tỏ sự tuyệt vọng trước sự đen tối của thế giới thực nên tự sát. Nữ nghiên cứu sinh bị thầy giáo hướng dẫn cướp mất thành quả nghiên cứu, không biết kêu ai, nên tự tử.

 

Ngay cả những đứa trẻ mẫu giáo cũng tự sát, hệ thống giáo dục này âm thầm giết người từ bé đến lớn sao?

Bà Lý – phụ huynh Đại lục cho biết, ở Trung Quốc, có quá nhiều trẻ em đã nhảy lầu tự tử, điều này khiến mọi người vô cùng đau khổ.

Bà Lý – phụ huynh Đại lục tiết lộ: “Nhiều trường hợp tử vong sẽ không được truyền thông công bố. Ở đây chúng tôi đã thu thập được hơn chục trường hợp tử vong, cứ khi nào có kỳ thi cuối cấp, sắp thi tuyển sinh đại học, hoặc sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học, sẽ càng có nhiều người tự tử”.

Bà Lý nói, các bạn cùng lớp của bà sử dụng WeChat để liên lạc với nhau, chỉ trong vòng 1 tuần đã nghe thấy thông tin có bốn phụ huynh trong nhóm có con nhảy lầu. “Ây da, người nhảy lầu càng ngày càng trẻ hóa, càng ngày càng nhỏ tuổi, có mấy đứa nhỏ chỉ mới bảy, tám tuổi đã tự sát, số vụ tự sát được truyền thông công khai đưa tin vẫn ít hơn thực tế rất nhiều.”

Khi phóng viên tìm kiếm thông tin về bé gái 8 tuổi nhảy lầu, đã phát hiện ra một số tin tức về những đứa trẻ từ 7 đến 10 tuổi nhảy lầu. Các vụ án này xảy ra ở Quảng Tây, Thành Đô, Tây An, Quý Châu và những nơi khác.

Một trong những nguyên nhân khiến cháu bé 7 tuổi nhảy lầu tự tử chỉ là do cháu không làm bài tập và bị bố mẹ trách móc; một bé gái 9 tuổi đã nhảy lầu từ tầng 15 tử vong vì không hoàn thành bài tập được giáo viên giao đúng hạn.

Thống kê của tạp chí “The Economist” của Anh cho thấy, tỷ lệ tự tử của giới trẻ Trung Quốc đứng đầu thế giới. Theo số liệu do Trung tâm Phát triển Trẻ em của Đại học Y Bắc Kinh, Trung Quốc có khoảng 100.000 thanh thiếu niên chết do tự tử mỗi năm, trung bình cứ mỗi phút có 2 người chết và 8 người tự tử không thành.

Tại sao nhiều trẻ em lại có hành vi tự tử?

Thống kê của tạp chí “The Economist” của Anh cho thấy, tỷ lệ tự tử của giới trẻ Trung Quốc đứng đầu thế giới và ngày càng trẻ hoá. (Ảnh: china-files)

Bà Lý cho hay, lý do chính là hệ thống giáo dục của ĐCSTQ đã gây ra áp lực quá lớn. Bây giờ từ lớp mẫu giáo đã có áp lực. Nếu điểm không tốt, phụ huynh sẽ mất mặt và không thể ngẩng cao đầu trước giáo viên, vì học sinh không có quyền riêng tư. Bạn nào điểm số cao hay điểm số thấp, giáo viên đều công khai thông báo. Phụ huynh nào con cái có điểm số thấp đi họp phụ huynh chẳng khác gì tham gia hội nghị phê bình.

Bà Lâm – một phụ huynh Đại lục cho biết, học sinh, phụ huynh và giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực, cả gia đình không còn niềm tin, cũng chẳng thấy hy vọng nên chỉ có con đường chết.

Bà cho rằng, kiểu giáo dục này là giáo dục phục tùng, khiến con người không có tư duy độc lập cá nhân, 98% phụ huynh Trung Quốc không đủ tư cách làm cha mẹ, vì hầu hết họ không lắng nghe con cái, cũng chưa bao giờ tôn trọng con cái. Giờ đây trẻ em có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin, các em chỉ muốn được tôn trọng, những người gần gũi với các em là giáo viên và phụ huynh đều không mang lại được cho các em sự tôn trọng nhân cách.

Bà Lâm nói, trẻ em không có tự do về nhân cách, một số chỉ là ngoan ngoãn phục tùng, ngoài ra các em còn bị so sánh hết thứ này đến thứ khác, so sánh điểm số, so sánh các môn ngoại khóa như piano, cờ vua, thư pháp, hội họa, chơi đàn, hát… rồi so xem ai thi đỗ vào trường danh tiếng hơn…

Bà nói, “Trong xã hội vật chất này, trẻ em chỉ có thể chìm đắm trong vật chất và theo đuổi vật chất. Thường ở thời điểm này, khi vật chất đã vô cùng đầy đủ, thì tâm hồn lại trở nên kiệt quệ, các em sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Và cảm giác khác biệt rất lớn mà sự hụt hẫng này mang lại, sẽ khiến các em bỗng nhiên hoang mang không tìm được phương hướng, dễ đi đến cực đoan nên hiện nay có rất nhiều trẻ bị trầm cảm”.

24% – 54% học sinh trung học cơ sở bị trầm cảm

Theo truyền thông Đại lục, một cuộc khảo sát dịch tễ học đối với học sinh trung học cơ sở cho thấy tỷ lệ phát hiện các triệu chứng trầm cảm ở học sinh trung học cơ sở là 23,7% – 54,4%, trong đó tỷ lệ phát hiện các triệu chứng trầm cảm nặng là 3,3% – 9,68%.

Bà Dương – một phụ huynh Đại lục nói, ở Trung Quốc trẻ em từ lúc bắt đầu học mẫu giáo đã được dạy rằng các em không thể thua ngay từ vạch xuất phát. Các bậc cha mẹ cố gắng hết sức để mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất. Trẻ em từ khi còn nhỏ đã có lòng so sánh đố kỵ. Cộng với những dao động về cảm xúc do nhiều thay đổi trong xã hội và cuộc sống, cộng với việc không thích ứng được với môi trường mới, dễ dẫn đến trầm cảm và tự tử.

Bà Dương cho biết: “Một số đứa trẻ thực sự rất xuất sắc, đường đời lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, phụ huynh lại không dạy các em cách sống trong nghịch cảnh. Vì vậy, khi các em gặp phải khó khăn thất bại thì sẽ không thể chịu đựng được. Bây giờ các em tự tử rất nhiều, vì những việc nhỏ nhặt mà cũng tự tử, vì các em không có năng lực giải tỏa căng thẳng trong lòng”.

Bà Dương lấy ví dụ, bà có biết một cậu bé, điều kiện gia đình rất tốt, từ nhỏ cậu bé đã rất thuận buồm xuôi gió, sau khi tốt nghiệp một trường danh tiếng, cậu có bạn gái và hai người cùng đi hát, chỉ vì hát không đúng điệu, bị bạn học chê cười mà cậu đã tự tử.

Bà Dương cho rằng điều này liên quan mật thiết đến phụ huynh, phụ huynh đã không tư vấn tâm lý đầy đủ cho con, họ không nói cho con biết rằng, con người ở trên thế giới này không phải lúc nào cũng chỉ là vượt trội xuất sắc hơn người hay phải học ở một trường danh tiếng mới là tốt. Vì vậy mới tạo ra những đứa trẻ đặc biệt ích kỷ, không quý trọng cuộc sống, không biết ơn cha mẹ.

Bà nói, tất cả là do cách giáo dục này gây nên, không có tình cảm gia đình, cha mẹ cũng vậy, không có sự quan tâm thấu hiểu, chỉ chăm chăm nhồi nhét vào đầu óc các em là chỉ cần học giỏi, sau này vượt trội hơn người khác là được, nhà trường thì đưa ra các bài kiểm tra chồng chồng chất chất, vì vậy, có những đứa trẻ còn rất nhỏ, thậm chí mới học tiểu học đã tự tử. Trước đây, tiểu học, trung học cơ sở không có chuyện tự tử, còn nhỏ vậy làm sao có trẻ em tự tử, đó là lúc các em ngây thơ, hồn nhiên nhất, lúc các em vô tư vui vẻ nhất thì làm sao có thể tự tử được?

Bà Dương nói rằng, toàn bộ xã hội Trung Quốc đang hỗn loạn. Trẻ em tự tử chỉ là một trong những hỗn loạn dưới chế độ chuyên quyền của ĐCSTQ. Những bi kịch gia đình mà con cái giết cha mẹ thường xuyên xảy ra. Hệ thống ĐCSTQ là gốc rễ của mọi hỗn loạn.

Minh Huy (Theo NTDTV)