Chương trình đánh vần “lạ” được dùng từ năm 2014. Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, sẽ xác minh clip đăng tải trên mạng xã hội được cho là của giáo viên hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần mới.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh được cho là giáo viên tiểu học đang hướng dẫn phụ huynh có con theo học lớp 1 về chương trình dạy học mới với những thay đổi về cách đánh vần.
Giáo viên này đứng trên bục giảng, hướng dẫn phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.
Clip đăng tải ngay lập tức gây xôn xao dư luận, thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết đây thực sự có phải chương trình giáo dục mới được áp dụng không.
Chị V.Giang ở Thái Nguyên có con năm nay vào lớp 1 xác nhận: “Ngày đầu tiên cho con đi học, cô giáo phổ biến sẽ dạy chương trình mới với các chữ “c”, “k”, “q” đều đọc là /cờ/, thấy lạ nên tôi hỏi dò một vài phụ huynh khác cũng có con vào lớp 1 thì có phụ huynh lại cho hay là con họ đang được cô giáo dạy chữ “c” đọc là /cờ/, “k” đọc là /ca/ và “q” đọc là /cu/. Tôi vô cùng lo ngại và không biết về nhà dạy con như thế nào, bởi kiến thức này, lần đầu tôi mới được nghe thấy”.
Tuy nhiên, sáng 26/8, ông Tạ Ngọc Trí – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) lại cho biết, đây không phải chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT đang xác minh và sẽ sớm có thông tin về việc này.
Trong khi thực tế, Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CNGD) đã được áp dụng từ năm 2014 đến nay và nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía phụ huynh. Năm học 2018-2019, gần 50 tỉnh, thành phố với hơn 800.000 học sinh học chương trình này tạo nên 2 lứa học sinh lớp 1 có cách phát âm khác nhau.
Sau khi bài viết được đăng tải trên Zing News, nhiều độc giả tỏ ra khá bức xúc với kiểu dạy phát âm mới. Như tài khoản Thắng bình luận: “Xin các ông các bà ngành giáo dục đừng biến con trẻ ngây thơ thành các giáo sư ngôn ngữ học nữa. Âm, hay âm tiết đều là âm thanh cả. Vì vậy, nó chịu tác động theo các nguyên tắc vật lý về phối âm, hòa trộn các âm đơn thành âm ghép. Thành thử âm ghép không phải là đơn âm vì theo vật lý, xét về phổ sóng âm, nó có các sóng âm khác nhau trộn (mix) với nhau. Dạy con trẻ phát âm thì phải đi từ sự ghép nối đó, chứ không nên định nghĩa thành tổ hợp âm khác làm con trẻ khó khăn trong việc nhận thức, ghi nhớ và… Hổng để làm chi‘.
Bạn Trịnh Tuyết thắc mắc: “Tại sao đã áp dụng rồi mà bây giờ Bộ mới đi xác minh là có hay không? Con tôi đã học năm học 2017 _ 2018 và các cháu tôi đã học những năm trước đó. Lúc đầu tôi và các phụ huynh khác rất hoang mang nhưng nhà trường áp dụng thì đành cho con theo. Năm nay cháu lên lớp 2 chuyển trường vào miền Nam học thì lại học theo kiểu cũ. Tôi không hiểu nổi sao lại áp dụng cách học 2 miền khác nhau vậy. Và tại sao học công nghệ mới đã diễn ra mấy năm mà Bộ lại nói không biết và đi xác minh?”.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Bá Lâm xác nhận: “Hôm bữa đi họp phụ huynh mới biết là thật đấy mọi người ạ, bảng chữ cái tiếng việt giờ có ba chử cờ, k, q, c, đó là ba chử được cải tiến một cách không thể chấp nhận được, tui lấy tư cách một người cha một phụ huynh yêu cầu chấm dứt ngay và liền kiểu dạy đó”.
Theo Zing News