Bánh chưng, dưa hành, thịt đông… là những món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Nhưng nếu không biết cách bảo quản, thì những phẩm này sẽ rất nhanh bị hỏng và ôi thiu. Cùng xem qua những hướng dẫn dưới đây để có một ngày Tết thật trọn vẹn và ấm cúng nhé.
1.Giò chả
Để giữ lâu giò chả trong những ngày Tết, bạn nên bóc hết lớp bỏ bên ngoài, để nơi thoáng mát và đậy lại bằng rổ có nhiều lỗ thoáng. Nhưng cách bảo quản tốt nhất là cố gắng… ăn hết trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp nên luộc lại rồi hãy ăn tiếp.
2. Thịt đông
Thịt nấu đông rắc ít tiêu ăn với cơm nóng, rau mùi trong những ngày lạnh giá của miền Bắc thì không gì ngon bằng. Với món này, bạn nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn trong từng bữa và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh.
3. Dưa hành, củ kiệu
Đối với dưa hành và củ kiệu, khi cắt gốc bạn lưu ý không được cắt vào phần củ. Sau khi rửa hãy để củ thật ráo nước, nếu không chúng sẽ dễ bị hỏng. Dùng nước đun sôi để nguội chứ không dùng nước lã để muối dưa, lượng muối cho vào vừa đủ, không quá nhạt sẽ giúp loại thực phẩm này để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.
4. Bánh chưng
Bánh chưng sau khi luộc xong, bạn cần vớt bánh ra và rửa sạch bằng nước lạnh cho hết nhựa, sau đó để ráo nước. Tiếp theo, chúng ta xếp bánh thành nhiều lớp và dùng vật nặng đè lên trong vài giờ để nước trong bánh thoát ra. Cuối cùng để bánh ở nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp là có thể giữ và dùng trong thời gian lâu hơn.
Theo VTC