Tinh Hoa

Các phần mềm của Samsung thường “suy tàn” là vì quá tập trung phần cứng

Một vị lãnh đạo giấu tên của Samsung nhận định chính việc tập trung quá nhiều về phần cứng đã khiến các phần mềm và dịch vụ nền tảng cho bộ phận di động của công ty này thường suy tàn và thất bại.

Reuters đã thực hiện khá nhiều cuộc phỏng vấn với các nhân viên hiện tại cũng như những người đã nghỉ của Samsung để cho ra một bức tranh toàn cảnh hơn về tình hình nội bộ công ty. Theo đó, có khá nhiều bộ phận khác nhau chồng chéo và gây rối cho nhau, khi mà những lợi ích ngắn hạn của việc thúc đẩy phần cứng được ưu tiên hơn lợi ích dài hạn của xây dựng nền tảng và phần mềm, mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng cũng như tăng tính trung thành của họ.

Một cựu giám đốc giấu tên của Samsung cho biết phần mềm của Samsung bị đặt ở mức ưu tiên thấp hơn rất nhiều so với phần cứng. Trong nội bộ công ty thì phần mềm chỉ được đối xử cao hơn một chút so với các công cụ marketing mà thôi.

Samsung đã cho ra mắt dịch vụ thanh toán Samsung Pay cũng như mua lại SmartThings, công ty chế tạo thiết bị và giải pháp Internet of things nhưng nó có thể là chưa đủ.

Các quản lý cao cấp của Samsung không hiểu rõ về phần mềm“, cựu giám đốc này cho biết. “Họ có phần cứng, có thể nói là làm phần cứng tốt hơn bất cứ ai khác, nhưng phần mềm lại là một câu chuyện khác“. Chính vì vậy mà những dự án phần mềm hay dịch vụ trong công ty thường suy tàn và thất bại.

Những dự án như Samsung ChatOn dù được cài sẵn trong các máy Galaxy vẫn đóng cửa vào tháng 3, Milk Video được dẫn dắt bởi một lãnh đạo Mỹ cũng đóng cửa mà rất ít người quan tâm tới nó.

Không chỉ Samsung mà HTC, Nokia, BlackBerry đều thất bại trong việc phát triển nền tảng riêng của họ. Tuy nhiên, Samsung vẫn đang là nhà sản xuất smartphone đứng đầu thế giới với doanh số cao hơn khoảng 100 triệu máy so với công ty thứ nhì.

Dù vậy, theo các cựu lãnh đạo và lãnh đạo đương nhiệm, Samsung đã thất bại trong việc hỗ trợ những đổi mới, những đột phá bên trong công ty. Họ cắt giảm lợi nhuận để tăng tính cạnh tranh với các đối thủ TQ.

Được biết, giám đốc điều hành mảng di động J.K. Shin đã chia sẻ một số hoạt động hằng ngày của ông với Dongjin Koh, một giám đốc cấp cao khác. Koh cũng là người giúp phát triển dịch vụ thanh toán Samsung Pay và nền tảng bảo mật Knox, hai dịch vụ mà Samsung hy vọng sẽ giúp công ty thay đổi tình hình.

Samsung cho biết, các nền tảng và dịch vụ mới của họ được chào đón khá nhiều, và Trung Tâm sáng tạo toàn cầu ở Thung Lũng Silicon cũng sẽ phát triển các công nghệ phần mềm từ bên ngoài, có thể là nhằm giảm bớt sự ảnh hưởng từ tổng công ty.

Giáo sư Chang Sea-jin từ Học Viện Khoa Học và Kỹ Thuật Nâng Cao Hàn Quốc cho hay: “Có những dấu hiệu cho thấy Samsung đang cố gắng thay đổi và họ đã nhận ra thất bại đến từ đâu“. Công ty đã đi theo đúng hướng nhưng nhiều khả năng là nó đã hơi trễ rồi.

Theo Tinh Tế