Các nhà nghiên cứu vừa có một khám phá tuyệt vời khi tiến hành cuộc khảo sát quang phổ vũ trụ quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Họ đã phát hiện thêm 72 thiên hà và hàng nghìn tỷ hành tinh mới. Kết quả này khiến người ta tự hỏi, rốt cuộc vũ trụ còn rộng lớn đến nhường nào?
Trái Đất là một hành tinh xoay quanh hệ Mặt Trời, theo ước tính có khoảng 100-400 tỷ ngôi sao giống như Mặt Trời trong thiên hà chúng ta. Do vậy, các chuyên gia cho rằng các thiên hà mới này có khả năng chứa hàng nghìn tỷ hành tinh xa lạ, trong đó có thể sẽ có hành tinh đủ điều kiện cho con người sinh sống và một số thậm chí có khả năng ẩn chứa sự sống ngoài Trái Đất.
Những thiên hà này cùng nằm trong một vùng không gian tương đối nhỏ gọi là Hubble Ultra-Deep Field (HUDF).
Trong nhiều thập kỷ, khu vực HUDF luôn là mục tiêu quan sát của rất nhiều nhà khoa học, tuy nhiên hình ảnh của 72 thiên hà chỉ trở nên rõ ràng hơn khi sử dụng đến Thiết bị đo Quang phổ đa đơn vị (MUSE) trên Kính Thiên văn rất lớn (VLT) tại Đài thiên văn Nam Âu (ESO) ở Chile.
Các chuyên gia cho biết những thiên hà này vẫn bị giấu kín do chúng phát ra tín hiệu Lyman – alpha, là tín hiệu mà khi quan sát bằng kính viễn vọng thông thường người ta chỉ có thể nhìn thấy duy nhất một màu sắc từ các thiên hà rất xa (có thể đỏ hoặc xanh).
Thiết bị MUSE sử dụng công nghệ quang phổ để phân tách ánh sáng phát ra từ các thiên hà thành nhiều màu thành phần.
Roland Bacon thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vật lý thiên văn Lyon (CRAL), người đứng đầu nhóm khảo sát của MUSE HUDF, trong một thông cáo mới cho biết:
“Thiết bị này cho phép chúng tôi đo lường khoảng cách, màu sắc và các thuộc tính khác của tất cả thiên hà mà chúng ta có thể nhìn thấy – bao gồm một số thiên hà không thể nhìn thấy từ kinh viễn vọng Hubble”.
Cuộc khảo sát mới này đã khám phá thêm 72 thiên hà, với hàng nghìn tỷ thế giới tiềm ẩn sự sống ngoài hành tinh. Ngoài ra. nó còn cho phép các nhà nghiên cứu tiến hành đo quang phổ cho tổng cộng 1.600 thiên hà. Nếu chỉ sử dụng kinh thiên văn mặt đất như trước đây, người ta chỉ có thể đo lường chính xác được khoảng 1/10 thiên hà trong số đó.
Khám phá này cực kỳ quan trọng vì nó cho phép chúng ta biết thêm những thiên hà mới tồn tại trong vũ trụ cùng khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất trong những thiên hà này.
NASA tin rằng, trong hệ Ngân Hà của chúng ta có từ 100-400 tỷ ngôi sao. Nếu mỗi ngôi sao đều có khoảng 8 hành tinh quay quanh (hệ Mặt Trời là 9 hành tinh) thì hệ Ngân Hà sẽ là nhà của 3,2 nghìn tỷ hành tinh.
Với 72 thiên hà mới được phát hiện, mỗi cái cũng có ít nhất 100 tỷ ngôi sao và mỗi ngôi sao cũng có khoảng 8 hành tinh quay quanh, thì sẽ có tới 57,6 nghìn tỷ cơ hội cho chúng ta có thể tìm được người ngoài hành tinh.
Và cuối cùng, những phát hiện này đã khiến cho đáp án câu hỏi “Liệu con người có cô đơn trong vũ trụ?” đang ngày càng rõ ràng hơn.
Hoàng An