Các nhà khoa học Canada đang thiết kế một máy bay chở khách không sử dụng tên lửa phóng, có tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
“Chúng tôi sử dụng kết hợp hệ thống phóng điện từ và tên lửa truyền thống để tăng tốc cho máy bay“, nhà phát minh Charles Bombardier cho biết. “Tôi biết ý tưởng này rất khó thực hiện, đặc biệt ở các cao độ thấp, nơi không khí còn đặc và nhiệt tích tụ nhanh trên tất cả các bề mặt“.
Theo Live Science, Skreemr sẽ cất cánh nhờ trang bị hệ thống phóng điện từ, không sử dụng tên lửa đẩy như những máy bay khác hiện nay. Hệ thống phóng này phải đủ dài cho máy bay tăng tốc dần dần, tránh cho phi công và hành khách phải chịu lực gia tốc quá lớn.
Các tên lửa sử dụng nhiên liệu oxy lỏng hoặc dầu hỏa chỉ dùng trong giai đoạn sau khi đã cất cánh để tăng độ cao và tăng tốc độ lên tới gấp 4 lần âm thanh. Nếu máy bay đã đạt tốc độ này sau giai đoạn phóng thì tên lửa sẽ giúp duy trì nó. Ở giai đoạn tăng tốc cuối, động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) sử dụng nhiên liệu hydro và oxy nén sẽ được kích hoạt, giúp máy bay đạt tốc độ gấp 10 lần âm thanh, tương đương 12.348 km/h.
Với tốc độ này, Skreemr có thể bay qua New York (Mỹ) tới London (Anh) chỉ trong 30 phút. Máy bay chở khách cỡ lớn hiện mất khoảng 6,5 giờ, còn máy bay chở khách huyền thoại Concorde có tốc độ gấp đôi âm thanh đã ngừng sử dụng năm 2003 mất khoảng 3,5 giờ, theo Popular Science.
Để không dùng tới tên lửa phóng giai đoạn đầu, có hai vấn đề: vật liệu chế tạo phải chịu được nhiệt và áp suất trên máy bay và các phần bên trong máy bay cần chịu được gia tốc của nó.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang phát triển động cơ phản lực tĩnh siêu âm để phục vụ cho mục đích quân sự. Bombardier hy vọng trong tương lai không xa, loại động cơ này có thể được sử dụng trên máy bay Skreemr chở được 75 người. Ý tưởng về Skeemr đã được Bombardier giới thiệu trên The Globe and Mail hôm 25/10.
Theo vnexpress