Trong Trung y, phong (gió) được xem là nguyên nhân chính gây bệnh, trong đó gồm nhiều căn bệnh thường gặp như cảm lạnh, phong thấp, đau đầu… Phương pháp điều trị các căn bệnh này như châm cứu, giác hơi, thảo dược đã mang lại hiệu quả tích cực và vẫn được lưu truyền hàng ngàn năm qua.
Trung y chia phong thành nội phong và ngoại phong. Ngoại phong ảnh hưởng đến phổi, nội phong tác động đến gan. Theo quan điểm của y học cổ truyền, bất kỳ sự mất cân bằng nào trong cơ thể gây ra bởi nội phong hay ngoại phong đều được gọi là bệnh do phong. Phong kết hợp với các bệnh khác trong cơ thể gây ra một số hội chứng.
Các hội chứng do phong
Khi ảnh hưởng của phong kết hợp với cảm lạnh, người ta sẽ mắc phải chứng cảm phong hàn. Người bị phong hàn thường có những triệu chứng như nghẹt mũi, không ra mồ hôi, đau vai, ớn lạnh, sốt…
Trung y khuyên người bệnh nên sử dụng các loại thảo dược tính ấm, giúp ra mồ hôi để điều trị cảm lạnh. Trái với phong hàn, người mắc bệnh phong nhiệt sẽ có các triệu chứng như đau họng, mắt đỏ, mặt đỏ, mạch nhanh và khát. Tình trạng này thường thấy ở những người bị cúm hoặc cảm lạnh thông thường.
Người bị phong thấp thường có dấu hiệu tiến triển của viêm khớp. Cơn đau có thể tiếp tục lan từ vùng này sang vùng khác gây khó khăn trong việc điều trị. Liệu pháp đốt cứu sử dụng sức nóng rất hữu ích trong những trường hợp này.
Ngoài ra còn có thể sử dụng các loại thảo mộc giúp thoát ẩm và tăng cường lưu thông khí (năng lượng) trong cơ thể. Khi cơ thể đột ngột phát ban, người ta gọi đó là ban gió. Để khắc phục tình trạng ban gió, chúng ta cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Cà phê và những loại thức ăn gây nóng máu sinh phong cần nên tránh.
Thiếu máu ở gan có thể dẫn đến mất cân bằng phong, biểu hiện là hiện tượng chuột rút và tê bì. Các triệu chứng này sẽ giảm khi máu được bồi bổ. Mất cân bằng trong gan khiến dòng huyết lưu bị gián đoạn, có thể gây co giật. Nếu kết hợp thêm ảnh hưởng của phong thì co giật càng nặng hơn.
Trong Trung y, chuyển động đi lên của phong thường được xem là nguyên nhân của các vấn đề ở mặt và đầu. Khi phong di chuyển hướng lên người ta sẽ cảm thấy cơ mặt bị co lại. Sự xâm nhập của phong và nhiệt là nguyên nhân gây đau đầu và đau nửa đầu migraine.
“Điều này dẫn đến mạch bị ứ tắc, rối loạn dòng chảy của khí huyết trong đầu, do đó có thể dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu. Các bệnh do phong biểu hiện càng nặng hơn nếu có kèm với bệnh cao huyết áp. Đột quỵ được cho là do sự chuyển động mạnh mẽ của phong lên não”, theo trang Spiritual Coach.
Điều trị các bệnh do phong bằng Trung y
Trung y đưa ra 3 hướng điều trị các bệnh do phong gồm châm cứu, giác hơi và thảo dược. Nếu người bệnh có các triệu chứng do phong như ớn lạnh, đau lưng, cứng cơ, nghẹt mũi và sốt thì có thể điều trị bằng cách châm cứu. Nếu bệnh đang ở giai đoạn đầu, châm cứu thường mang lại kết quả tốt.
Giác hơi thường được khuyến cáo cho những người mắc các triệu chứng của phong như các bệnh hô hấp hoặc đau cơ ở nửa thân trên. Giác hơi dẫn phong ra bề mặt cơ thể và đẩy chúng ra ngoài qua các lỗ chân lông. Các loại thảo mộc thường được sử dụng trong giác hơi điều trị lớp bề mặt của phổi.
Để phòng ngừa phong xâm nhập vào cơ thể, chúng ta nên hạn chế phơi nhiễm với thời tiết lạnh. Hãy quấn khăn choàng để bảo vệ đầu và cổ trong điều kiện thời tiết lạnh. Tránh uống rượu nếu đang bị cảm. Thay vào đó, hãy uống một ít trà gừng. Ngoài ra trong mùa khô, hãy nhớ giữ ẩm thường xuyên cho da.
Thiên Hoa biên dịch