Guardian cho biết Bộ Bảo tồn New Zealand vừa phát hiện 416 con cá voi mắc cạn ở Mũi Farewell (thuộc Vịnh Golden, cực nam New Zealand). Vào lúc bình minh ngày 10/2, hơn 70% trong số đó đã hấp hối.
Các nhân viên Bộ Bảo tồn và hàng chục tình nguyện viên đang chạy đua với thời gian để cứu sống hơn 100 con còn lại. Người dân địa phương được kêu gọi hoãn lại công việc và học tập để đến bãi biển giải cứu những con cá voi không may.
Đến gần trưa ngày 10/2 (giờ địa phương), lúc triều lên, 100 con cá voi sống sót đã được đưa lại biển nhưng chỉ bơi gần bờ. Guardian dẫn một số nguồn tin cho biết những con cá voi lại bắt đầu bơi vào vùng nguy hiểm.Người dân mang theo khăn, xô và cả ga trải giường để giữ những con cá voi được ướt, mát và không hoảng loạn.
Bộ Bảo tồn New Zealand đã chuẩn bị phương án để tiếp tục cứu hộ nếu cá lại mắc cạn.
“Chúng tôi cố gắng hướng dẫn cá voi bơi ra biển nhưng chúng không nghe lời. Lũ cá bơi bất cứ nơi nào chúng muốn. Trừ khi một vài con đầu đàn quyết định hướng ra biển, khi đó lũ cá còn lại sẽ bơi theo đàn về biển”, Guardian dẫn lời Andrew Lamason, đội trưởng đội cứu hộ của Bộ Bảo tồn.
Hiện tượng cá voi mắc cạn thường xảy ra ở Vịnh Golden, vùng nước nông ở đây khiến cá khó có thể thoát ra một khi chúng đã bơi vào. Tuy nhiên, số cá mắc cạn lần này lớn bất thường. Đây là lần cá voi mắc cạn lớn thứ ba trong lịch sử New Zealand. Năm 1918, hơn 1.000 cá voi đã mắc cạn ở đảo Chatham.Bãi biển vẫn đầy xác của khoảng 300 con cá voi vừa chết qua một đêm. Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn chưa bắt đầu việc dọn xác, họ quyết định sẽ “tập trung vào những con còn sống”.
New Zealand cũng là nước có tỷ lệ cá voi mắc cạn lớn nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 300 con cá voi, cá heo cập vào bờ biển nước này và không thể trở lại biển.
Hiện chưa rõ nguyên nhân của đợt mắc cạn hàng loạt này. Phần lớn những vụ cá voi mắc cạn ở New Zealand thường chỉ có một vài cá thể.
Theo Zing