Tuy không ồ ạt như những ngày đầu, song lượng cá chết được ghi nhận sáng ngày 6/10 tương đối nhiều. Chủ yếu cá chết là loại nhỏ. Ban quản lý dự án Hồ Tây tiếp tục trục vớt, khử trùng, bảo vệ môi trường trên mặt hồ, xung quanh và các vùng lân cận.
Theo ghi nhận của phóng viên, cá tiếp tục chết nổi lên mặt hồ vào sáng 6/10. Đây là loại cá nhỏ, chết theo đàn rồi trôi dạt vào bờ. Ban quản lý dự án Hồ Tây cho biết, sau khi trục vớt toàn bộ lượng cá chết cách đây 4 ngày, số lượng cá con chết này mới xuất hiện. Trên lý thuyết, cá con yếu sẽ khó qua khỏi khi nước thiếu ô-xi, tuy nhiên, khá lạ khi cá to chết mới xuất hiện nhiều cá con chết về sau.
Một chuyên gia về thủy sản cho biết, có thể lượng cá này khi nước Hồ Tây thiếu ô-xi khu vực (nhận định ban đầu về nguyên nhân cá chết) lại tập trung ở vùng nào đó có môi trường sống dưới nước ổn định. Nước Hồ Tây bất ổn, tiếp tục gây nên hượng tượng cá trên. Song đây cũng chỉ là một giả thiết, cần có kiểm chứng của khoa học mới nhận định chính xác đâu là nguyên nhân.
Hiện tại, đội trục vớt tiếp tục dùng xuồng quân dụng để thực hiện trục vớt lượng cá chết phát sinh. Các lực lượng y tế phun thuốc khử trùng, xử lý môi trường. Lượng cá chết này được mang gom xử lý theo quy định.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến thời điểm này, đã có hơn 200 tấn cá chết được trục vớt và tiêu hủy. Hồ Tây với diện tích hơn 500 ha hiện có 24 cống xả thải xuống hồ.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ TNMT, Bộ Công an, Bộ Khoa học và công nghệ cùng Viện khoa học Công nghệ Việt Nam phối hợp tìm nguyên nhân và làm rõ vì sao cá chết bất thường trong lịch sử Hồ Tây.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cam kết với Chính phủ tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân và công khai sớm nhất. Chủ tịch TP cũng khuyến cáo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây làm thực phẩm khi chưa có kết luận cuối cùng có chất độc hại trong cá hay không.
Theo Vntinnhanh