Tinh Hoa

Ca đầu tiên nhiễm Ebola tử vong, Mỹ tăng cường sàng lọc sân bay

Bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Ebola tại Mỹ đã tử vong hôm Thứ Tư (8/10), dấy lên những nghi vấn về chế độ chăm sóc y tế đối với người này.

Thomas Eric Duncan đã tử vong tại bệnh viện Dallas ngày Thứ Tư (8/10).

Chính phủ đã chỉ thị năm sân bay bắt đầu sàng lọc hành khách đến từ Tây Phi để phát hiện người có thân nhiệt cao.

Thomas Eric Duncan mang quốc tịch Liberia tử vong trong khu vực cách ly thuộc bệnh viện Dallas sau 11 ngày nhập viện. Sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm và gây lo ngại đối với người nhiễm Ebola trở về Mỹ từ Liberia, gia tăng nỗi sợ hãi về nguy cơ xâm nhập và lây lan dịch bệnh bên ngoài Tây Phi.

Ba quốc gia nghèo khó tại khu vực này đã ghi nhận gần 4.000 trường hợp tử vong.

Nhà Trắng thông báo, biện pháp sàng lọc qua thân nhiệt sẽ áp dụng cho hành khách đến từ Tây Phi. Sân bay John F. Kennedy ở New York sẽ triển khai hoạt động này vào cuối tuần, tiếp đến là Newark Liberty, Washington Dulles, Chicago O’Hare và Hartsfield-Jackson Atlanta.

Cái chết của Duncan khiến người ta nghi ngờ về tiến độ chậm trễ trong điều trị. Bệnh nhân ban đầu đến khám tại cơ sở y tế, hai ngày sau thì nhập viện, nhưng sau đó được cho về nhà dùng kháng sinh. “Tôi tin rất cần một cuộc điều tra kỹ lưỡng xem xét mọi phương diện liên quan đến dịch vụ y tế từng chăm sóc anh ấy”, hôn thê của Duncan là cô Louise Troh viết.  Troh đang được cách ly, bày tỏ, “Tôi dằn vặt trong buồn bã và tức giận khi con trai anh không được nhìn mặt cha lần cuối”.

Bác sĩ Craig Smith, Giám đốc y khoa về dịch bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện đại học Augusta, Georgia nhận định, Ebola cũng như bất kì căn bệnh truyền nhiễm nào, càng phát hiện sớm càng dễ điều trị. “Tôi không ngạc nhiên khi Duncan không đủ may mắn để sống sót. Theo tôi, hai ngày thôi cũng đủ tạo nên khác biệt rõ ràng”, Smith chia sẻ. Duncan lâm vào tình trạng nguy kịch với sự hỗ trợ của thiết bị hô hấp và máy trợ thận tại bệnh viện Texas Health Presbyterian. Bệnh nhân hôm Chủ Nhật (5/10) được cho uống thuốc thử nghiệm với hy vọng sẽ sống sót. Đơn thuốc được kê sáu ngày sau khi Duncan nhập viện.

Tuy nhiên, các chuyên gia về Ebola đặt nghi vấn tại sao Duncan dùng thuốc thử nghiệm brincidofovir của Chimerix Inc. Loại thuốc này vốn chưa được đánh giá trên người hoặc động vật, trong khi dòng TKM-Ebola do Tekmira Pharmaceuticals điều chế đã được kiểm tra trên người. TKM-Ebola từng được dùng cho bệnh nhân nhiễm Ebola người Mỹ là bác sĩ Rick Sancra. Người này sau đó đã phục hồi. “Chúng tôi biết bác sĩ Sacra đã khá nặng khi được điều trị. Và liều thuốc này đã giúp ông ấy sống sót”, nhà virus học Thomas Geisbert của Đại học Texas Medical Branch, người tiên phong trong điều trị Ebola nhận định.

Hàn Mai, Thiên Hà – Theo Reuters