Công An Bình Dương ra quyết định hoãn xuất cảnh bất thường với chủ doanh nghiệp, gây áp lực để khách viết đơn tố cáo công ty Kim Oanh.
Báo Pháp Luật đưa tin, về phản ánh của Công ty địa ốc Kim Oanh về những bất thường của Công an Bình Dương trong vụ ‘16 lô đất, 20 căn nhà’ là có cơ sở. Đơn vị này đã có dấu hiệu vi phạm Điều 15 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của BCHTW, khi “tham gia xúi giục, kích động, cưỡng ép, mua chuộc khiếu nại, tố cáo” và “thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
16 lô đất, 20 căn nhà
16 lô đất được nói đến gồm 2 lô diện tích 300m2, 12 lô diện tích 150m2 và 2 lô diện tích 292m2 nằm ở hai đầu khu đất ký hiệu H2, khu dân cư Mỹ Phước 3, TX Bến Cát, Bình Dương.
Từ năm 2008, các lô này thuộc sở hữu của ông Lưu Tấn Tiến (SN 1963, ngụ TP HCM), và được cấp sổ đỏ.
Năm 2009, khi chưa có quy hoạch 1/500, theo nhiều ý kiến, 16 lô đất bị phân lô khá bất hợp lý, vì bị vát chéo một góc, nên có những lô rộng tới 300m2, trong khi lô bên cạnh chỉ bằng một nửa. Ông Tiến tự xoay hướng, biến 8 lô đất mỗi bên thành dãy nhà 10 căn, diện tích từ 125m2 trở lên.
Từ 2009 đến 2017, Ông Tiến xây khu nhà này vẫn chưa hoàn thành phần thô.
Ngày 26/8/2016, UBND Bến Cát ra quyết định 1259/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư ấp 6 phường Chánh Phú Hòa. Trong đó 16 lô đất trên được quy hoạch theo sổ đỏ là 16 căn nhà chứ không phải theo thực tế 20 căn ông Tiến đang xây.
Giữa năm 2017, ông Tiến chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1992). Bà Nhung tiếp tục hoàn thành hai dãy nhà đang xây dở. Khi mua, bà không biết có quy hoạch trên.
Sau đó hoàn thành, bà Nhung ký hợp đồng dịch vụ với Kim Oanh là công ty môi giới để giới thiệu và tìm kiếm khách hàng. Kim Oanh ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng 20 căn nhà trên cho 20 khách. Ngay khi ký hợp đồng đặt cọc, bên môi giới và bà Nhung bàn giao nhà cho khách; diện tích, thiết kế đúng như hợp đồng đặt cọc.
Địa phương có làm khó dân?
Sau khi phát hiện vấn đề trên, các bên làm đơn xin nhập thửa, tách thửa và quay hướng 16 lô đất thành 20 lô như hiện trạng đã có từ 2009, nhưng sự việc đến nay vẫn ách tắc.
Phòng Quản lý Đô thị đồng ý với Kim Oanh và các hộ dân, có ý kiến để xoay hướng, tách thửa hợp thửa, có thể liên hệ với chủ đầu tư dự án là Becamex để được điều chỉnh cục bộ. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cũng ủng hộ Kim Oanh và các khách hàng, đề nghị Phòng TN&MT xem xét giải quyết đề nghị cấp sổ đỏ cho các hộ. Tuy nhiên, Phòng TN&MT cho rằng: “Việc tách thửa, nhập thửa, xoay hướng nêu trên không phù hợp…”, nhưng không nêu rõ hướng giải quyết như thế nào.
Sau đó, Công ty Kim Oanh và phần lớn khách hàng đã họp, thống nhất thanh lý hợp đồng, khách trả lại nhà, Công ty Kim Oanh trả tiền cùng lãi suất và trả thêm một khoản khác. Một vài khách hàng còn lại, hai bên vẫn đang trong quá trình thương thảo thanh lý hợp đồng.
Công An vào cuộc với dấu hiệu “xúi giục, kích động, cưỡng ép khiếu nại, tố cáo”
Không hiểu vì lý do gì, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương bỗng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh số 44/PC03(Đ1) từ 12/5/2020 với bà Đặng Thị Kim Oanh (chủ doanh nghiệp Kim Oanh).
Ngày 25/6/2020, khi quyết định 44 chưa hết thời hạn, cơ quan này tiếp tục ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh số 49/PC03(Đ1) nội dung tương tự, thời hạn đến 2/8/2020.
Một trong các khách hàng còn lại là bà Hoàng Thị Toan (SN 1988, quê Hà Nội, có hợp đồng đặt cọc ngày 9/10/2017 để mua căn số 22, lô H2 giá 1,6 tỷ) cho biết, ngày 28/7/2020 đã đồng ý thanh lý hợp đồng đặt cọc, trả lại nhà đất. Công ty Kim Oanh trả lại tiền cho bà Toan hơn 2 tỷ (trong đó gồm tiền gốc, tiền lãi suất và tiền lãi phát sinh do bà Toan vay vốn ngân hàng để mua nhà). Phương thức thanh toán là nhận 1 lần. Bà Toan chưa từng làm đơn khiếu nại đến bất cứ cơ quan nào và cũng không gặp khách hàng nào cùng mua nhà ở lô H2.
“Thế nhưng sáng 21/7, khoảng 8h, có một người trong nhóm mua nhà gọi cho tôi, không rõ tại sao có số điện thoại của tôi. Người này bảo tôi lên Công an làm việc về hợp đồng mua bán nhà với Công ty Kim Oanh. Tôi nói đang đi làm, không xin nghỉ được. Đến 11h, có người tự xưng công an đề nghị tôi đến Công an Bình Dương làm việc và mang theo giấy tờ gốc. Tôi từ chối. Sau đó, một người tự xưng Công an tên Dũng gọi cho tôi cũng với yêu cầu như lần trước và tôi cũng từ chối. Ngày 28/7 anh Dũng tiếp tục gọi điện. Tôi nói đây là sự việc dân sự, đã làm việc với bên Công ty Kim Oanh. Anh này hỏi tôi địa chỉ và hẹn tôi ở Công an phường Hiệp Thành (quận 12, TP HCM), đòi tôi mang theo chứng từ gốc nhưng tôi nói không giữ, không mang theo. Anh này tiếp tục hỏi địa chỉ nhà trọ và hẹn tôi ở Công an phường 14, quận Gò Vấp (nơi bà Toan trọ)”, bà Toan kể.
Theo lời bà, vì tò mò, khoảng 18h30, bà có lên Công an phường 14 quận Gò Vấp. Tại đây có 2 người của Công an Bình Dương, bà biết một người tên Dũng vì đã được giới thiệu khi nói chuyện qua điện thoại.
“Họ hỏi tôi quá trình mua bán, thanh toán như thế nào, số tiền bao nhiêu. Tôi nói việc đó đã có trong hợp đồng, tôi làm đúng như thế. Họ nói tôi viết đơn, viết tường trình và cung cấp chứng từ gốc. Tôi từ chối, khẳng định đây là việc dân sự và đã thỏa thuận với Kim Oanh. Tóm lại họ xoay quanh vấn đề bảo tôi viết đơn tố cáo và cung cấp hồ sơ gốc”.
Bà Toan cho rằng Công an Bình Dương đã gây áp lực vô lý khi liên tục gọi điện mời làm việc, thậm chí lên tận nơi để gặp. Tại phường, công an cũng không lập biên bản, chỉ nói miệng là yêu cầu làm đơn, làm tường trình, cung cấp hồ sơ.
LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) cho rằng việc “vận động”, gây áp lực để người khác làm đơn tố cáo, là vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức. Cụ thể là vi phạm Điều 15 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của BCHTW, khi “tham gia xúi giục, kích động, cưỡng ép, mua chuộc khiếu nại, tố cáo” và “thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Từ Thức (t/h)