Các bậc làm cha mẹ đều mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, có những người sẽ đi theo hướng cực đoan, khiến cho con trẻ không còn hạnh phúc, tạo thành khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Vậy phải làm sao mới thật sự tốt cho con và cho chính bản thân bạn.
Làm cha mẹ là ông trời đặt lên vai bạn vô vàn trách nhiệm, thế nên nhiều người nghĩ rằng để trở thành các bậc cha mẹ hạnh phúc hẳn sẽ rất khó khăn. Nhưng bạn biết chăng, hạnh phúc sẽ đến dễ hơn nếu bạn buông bỏ một vài khúc mắc trong nuôi dạy trẻ.
Hãy hy vọng thật nhiều! Đây là danh sách 15 điều giúp ích cho bạn trong việc nuôi dạy con cái. Bạn hãy vừa đọc vừa chiêm nghiệm và thành thật với bản thân. Hãy để mình trở thành cha mẹ hạnh phúc cho con của bạn — và cho chính bản thân bạn!
1. Buông bỏ những khuôn mẫu
Kinh nghiệm về các gia đình kiểu mẫu hoặc gia đình ta sống lúc nhỏ đã định hướng cho ta thật nhiều trong nuôi dạy con cái. Do đó, bạn tin rằng làm cha mẹ, làm con cái là phải thế này thế nọ. Nhưng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và rằng nếu bạn theo khuôn mẫu đó, bạn có thể bỏ lỡ những dịp thưởng thức trải nghiệm thực sự. Hãy đặt tự hỏi trong vai trò phụ huynh bạn ưu tiên làm những gì và tại sao.
2. Buông bỏ việc theo dõi thành tích đóng góp
Phụ huynh mà, đóng góp cho trường lớp và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ở trường của con thì đâu có sao. Tuy nhiên, nếu trong đầu bạn liên tục theo dõi: Phụ huynh nào đóng góp nhiều hơn? Ai đi họp phụ huynh đều đặn nhất?. Ai đóng góp nhiều nhất trong lớp của con bạn?. Ai cho con tham gia nhiều lớp học thêm nhất?. Nếu thế thì đến lúc bạn cần phải buông bỏ rồi đó!.
Theo dõi và cạnh tranh thành tích giữa các phụ huynh chỉ tốn năng lượng của bạn. Chỉ cần làm những gì bạn cảm thấy có hứng thú và có thể làm. Đừng để tâm mình bị ràng buộc bởi những đóng góp của người khác và đừng bắt buộc ai cũng giống như bạn.
3. Buông bỏ việc ép buộc
Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm đặt ra giới hạn cho con. Nhưng nếu con trẻ nhất mực chống lại, thì xin đừng chỉ ép buộc chúng nghe theo, mà hãy tìm cho ra nguyên nhân tại sao chúng cư xử như vậy.
Hãy tự xem bản thân là người hướng dẫn đáng tin cậy của con chứ không phải nhà độc tài. Khi con nhận thấy bạn là người hướng dẫn của chúng, thường thì chúng sẽ lắng nghe bạn hơn, khiến giữa chúng và bạn ít xảy ra cãi vã và thất vọng cho đôi bên.
4. Buông bỏ tiếng la hét
Nhiều khi bạn gào lên với con giống mấy người rao hàng ngoài chợ. Có như vậy không?. Nếu bạn muốn la hét, hãy tự hỏi mình: la hét có khiến quan hệ của bạn với con bạn tốt hơn không?
Thường thì bạn la hét lúc tức giận, làm trẻ cảm thấy sợ hãi và tổn thương. Tiếng la hét phá hủy sự tin tưởng và cảm giác an toàn của trẻ. Hãy chú ý đến những lúc bạn la hét và cam kết sẽ thay đổi.
5. Buông bỏ mong ước có hình tượng hoàn hảo
Có một sự thật rằng: Trên đời không có bậc phụ huynh nào hoàn hảo cả. Tuy nhiên hãy trân trọng những nét không hoàn hảo đó. Hãy bao dung, từ bi với bản thân và chuẩn bị tâm thái để sẵn lòng học hỏi, thay đổi và cải thiện.
6. Buông bỏ bao nỗi lo lắng
Bạn yêu con và lo lắng cho con, nhưng lo lắng thái quá có làm con bạn an toàn hơn không?. Điều đó cũng không làm bạn hạnh phúc hơn. Đôi khi nó còn khiến con bạn sống trong sợ hãi. Vậy hãy giải phóng những lo lắng bâng quơ trong lòng và biết ơn từng khoảnh khắc sống cùng con, bạn nhé!.
7. Buông bỏ kiểu “tiêu chuẩn chung cho tất cả”
>>> Câu chuyện cảnh tỉnh hàng triệu bậc cha mẹ: Hãy để con là vàng, đừng biến con thành cát
Mỗi đứa trẻ đều khác biệt và có thiên hướng khác nhau. Những gì hiệu quả với đứa con này không phải lúc nào cũng hiệu quả với đứa con khác. Tuy rằng có một số quy tắc nhất định áp dụng cho mọi đối tượng, như tôn trọng người lớn, không la hét, phải làm việc nhà… Nhưng làm cha mẹ công bằng không có nghĩa là ta áp dụng y chang một cách dạy cho tất cả các con.
8. Buông bỏ việc ép ăn
Nếu bạn bắt con phải ăn mỗi món bao nhiêu miếng thì hãy tự đặt mình vào vị trí của trẻ trên bàn ăn. Ép con ăn như vậy nhiều khi còn khiến trẻ chán ăn và sợ hãi bữa cơm.
Hãy hướng dẫn cách ăn, khuyến khích bé ăn và chuẩn bị thức ăn lành mạnh cho bé. Hãy để con bạn nói lên chúng thích ăn gì. Hãy thay đổi thực đơn cho phong phú hơn thay vì bắt con ăn mãi một món.
9. Buông bỏ vai trò “điều phối viên”
Nếu bạn cảm thấy làm cha mẹ quá đuối sức, có lẽ bạn đang chịu trách nhiệm quá nhiều về thời gian của con bạn. Bạn có thể lập kế hoạch hỗ trợ sự phát triển của con, nhưng đừng vạch ra từng giờ từng phút chúng phải làm gì.
Thời gian nhàn rỗi rất có lợi cho trẻ em. Chúng sẽ chịu trách nhiệm về thời gian riêng của chúng. Bạn hãy tạo nguồn lực sẵn có và sau đó để con bạn trải nghiệm những điều chúng muốn. Vậy là cả hai bên đều có thời gian rảnh và hạnh phúc hơn.
10. Buông bỏ lối hy sinh không lành mạnh
Làm cha mẹ, bạn hào phóng cho đi tình yêu, thời gian và sự quan tâm. Nhưng bạn không nên từ bỏ chính bản thân mình chỉ vì bạn là cha mẹ. Khi bạn bỏ qua những nhu cầu cơ bản của mình, bạn đang ngầm dạy con rằng khi chúng lớn lên, chúng cũng không quan tâm chăm sóc bản thân.
11. Buông bỏ cảm giác tội lỗi
Cha mẹ đôi khi rơi vào cái bẫy tự hy sinh bởi vì cảm thấy tội lỗi không đáng. Cảm giác tội lỗi có thể hữu ích nếu bạn dùng nó để nhận ra mình cần thay đổi chỗ nào. Nhưng cảm giác tội lỗi áp đảo và đè nặng sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân vô dụng mà không thực hiện bất cứ điều gì. Bạn thế này là ổn, như chính bản thân bạn.
12. Buông bỏ việc ra quyết định từ một phía
Trong vai trò làm cha mẹ, bạn có tiếng nói quyết định. Nhưng bạn và con sẽ hạnh phúc hơn nếu đó không phải là ý kiến một chiều. Khi thích hợp, hãy để con tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến chúng. Bằng cách đó, bạn sẽ trao quyền và giúp trẻ có thể tự đưa ra quyết định tốt sau này.
13. Buông bỏ những thông điệp tiêu cực
>>> Cha mẹ không “nhẫn tâm” buông tay, sẽ dưỡng con thành những đứa trẻ không bao giờ chịu lớn
Có phải những thông điệp như thế này thường được “phát sóng” với con bạn: con ồn quá, con ít nói quá, con hỏi nhiều quá, con phiền phức quá, con đòi hỏi quá, con nói nhiều quá, con nên kết bạn, đứng yên, nói đi, ngồi xuống, hãy cười nhiều lên…?
Hãy thử thay những nhận xét về hành vi đó theo cách tích cực hơn. Ví dụ: bạn có thể thay đặc điểm “nói nhiều quá” của con mình thành “con rất dễ kết bạn đấy”.
14. Buông quãng đời thơ ấu của mình xuống
Thời thơ ấu của bạn có những việc không như ý mà bạn muốn con mình tránh gặp phải. Bị trêu chọc ở trường?. Thiếu tiền?. Cảm thấy không đủ năng lực?.
Nỗi sợ của bạn thực sự có thể tạo thành khuôn mẫu lặp lại ở con bạn. Đừng làm con bạn ở hiện tại bị mắc kẹt trong nỗi sợ hãi của quá khứ. Quên chúng đi!. Hãy tạo ra những gì bạn muốn, chứ không phải những gì bạn không muốn.
15. Buông bỏ cảm giác chán nản
Có nhiều phụ huynh lo lắng rằng họ đã làm hỏng con mình, hoặc họ đã phạm sai lầm kéo dài suốt đời. Tuy nhiên:
Không bao giờ là quá muộn để trở thành bậc phụ huynh tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Cho dù con bạn 4 tuổi hay 40 tuổi, chúng đều cần tình thương yêu đích thực của cha mẹ. Con bạn càng lớn, thì ảnh hưởng từ những sai lầm có thể mất nhiều thời gian để khắc phục hơn, tuy nhiên bạn luôn có thể trở thành một phụ huynh vui vẻ, sẵn sàng hỗ trợ con cháu như bạn mong muốn. Đừng bỏ cuộc! Vẫn luôn có cơ hội để bạn trở thành cha mẹ tốt.
Đã đến lúc ta cần buông một chút để khơi thông những thứ khiến ta mắc kẹt trong vai trò phụ huynh và lùa làn gió hạnh phúc vào cửa sổ căn nhà bạn!.
Xuân Nhạn, theo theepochtimes