Tinh Hoa

Buôn lậu nội tạng: Làm giàu trên thân xác người khác

Buôn lậu nội tạng, một ngành kinh doanh phi nhân tính hiện diện tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó Trung Quốc là một trong những nước đi đầu về việc thu lợi nhuận từ hoạt động phi pháp này.

Giá nội tạng tại một số quốc gia có hoạt động buôn lậu nội tạng. (Ảnh: publichealthwatch)

Chênh lệch quá xa về cung – cầu

Theo bài viết “Nhiêu khê ghép tạng” đăng bởi báo điện tử Người Lao Động, cả nước Việt Nam hiện có khoảng 6.000 người suy thận mãn tính cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan ở một số bệnh viện lớn, trên 6.000 người mù lòa chờ ghép giác mạc, hàng trăm người đợi ghép tim… Trong khi đó theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người do Bộ Y tế thành lập, cho đến nay Việt Nam chỉ thực hiện hơn 1.000 ca ghép thận, 37 ca ghép gan, 9 ca ghép tim, 1 ca ghép thận – tủy, hơn 1.400 ca ghép giác mạc.

GS-TS Lê Trung Hải, Phó Giám đốc BV 103, quả quyết: “Chúng ta chỉ thiếu nguồn tạng, còn kỹ thuật ghép thì không kém ai”.

Không riêng ở Việt Nam, bệnh nhân các quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang gặp khó khăn tương tự trong việc tìm nội tạng để cấy ghép. Ở Mỹ và các nước châu Âu, thời gian chờ để tìm thấy nội tạng trung bình từ hai đến ba năm, có khi lâu hơn.

Theo thống kê của Bộ Y tế Hoa Kỳ, hiện có gần 100 nghìn người Mỹ đang chờ được cấy ghép cơ quan nội tạng cùng niềm hy vọng mong manh, hàng nghìn người đã chết trước khi tìm ra bộ phận tương thích cần thiết. Còn chỉ phân nửa nguồn cơ quan hiến tặng là được sự đồng ý của chủ nhân, đặc biệt là thận và tim…

Nội tạng chợ đen ở Việt Nam

Loạt bài “Vạch trần đường dây buôn thận xuyên quốc gia” của báo Tuổi Trẻ Online đã hé lộ một thị trường buôn bán nội tạng chợ đen tại Việt Nam. Những kẻ môi giới thường xuyên về các vùng quê hoặc lên Internet để tìm người cần bán nội tạng kiếm tiền. Mặt khác họ còn đóng giả làm người thân của bệnh nhân đăng tin cần mua tạng để cấy ghép cho “đứa con sắp chết” hoặc “người nhà trong cơn nguy kịch”. Đường dây buôn bán nội tạng không thể thiếu sự hợp tác của các bác sĩ, các chuyên gia ghép tạng có thẩm quyền thực hiện các ca phẫu thuật tương tự.

Bệnh viện Trung ương Huế bắt đầu thực hiện ghép thận từ năm 2001. Những năm đầu mới thực hiện, mỗi năm bệnh viện ghép thận cho 5-10 bệnh nhân. Hai năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân được ghép thận tại bệnh viện tăng đột biến, số ca ghép một năm bằng nhiều năm trước cộng lại. Chẳng hạn, năm 2013 bệnh viện mổ ghép thận cho 80 trường hợp và tám tháng đầu năm 2014 đã ghép thận cho 80 trường hợp.

Địa chỉ 83 Nguyễn Sinh Cung (TP Huế) được xem là “trụ sở” hoạt động chính của đường dây buôn thận, đồng thời là nơi “tập kết” nhiều thanh niên ở các tỉnh thành đã bán thận và đang đợi bán thận – Ảnh: TuoiTre Online

 Nội tạng “made in China”

Câu nói “hàng ở đâu khan hiếm thì ở Trung Quốc tràn lan, hàng ở đâu đắt đỏ thì ở Trung Quốc rẻ mạt” không chỉ đúng với hàng tiêu dùng và các thiết bị kỹ thuật số, mà còn đúng với nội tạng cấy ghép cho người.

Trung Quốc là một trong những điểm đến của ngành du lịch ghép tạng. Ngành buôn lậu nội tạng ước tính hàng năm có thể tạo ra lợi nhuận từ 600 triệu đến 1.2 tỉ USD.

Không giống những quốc gia khác, Trung Quốc có không có hệ thống hiến tạng hoàn chỉnh đồng nghĩa với việc hoạt động cấy ghép tạng tại nước này mang tính manh múng làm nảy sinh nhiều hệ lụy. Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, ông Hoàng Khiết Phu, cho biết hằng năm có 7.000 ca ghép tạng lấy từ người đã khuất, và  nguồn nội tạng với hơn 90% được lấy từ các tử tù.

Ngày 23/09, một tờ báo ở tỉnh Liêu Ninh có tên là Laoshi Evening, đã đăng tải một câu chuyện về một giáo viên dạy tiếng Anh tên là Hoa Ninh có thể tìm được tim phù hợp chỉ trong 20 ngày làm việc.

Một bản copy của câu chuyện được đăng trên báo Laoshi Evening vào ngày 23 tháng 09 năm 2014, ở trang A07. Các chi tiết về thời gian được gạch dưới bằng màu đỏ.

Không chỉ đủ nội tạng để cung cấp cho nhu cầu trong nước, các bệnh viện Trung Quốc còn tiếp nhận hàng nghìn ca phẫu thuật cho các bệnh nhân nước ngoài với thời gian chờ đợi cực ngắn. Điều này cho thấy, quốc gia này có một nguồn trữ tạng khổng lồ và dễ dàng tìm được tạng phù hợp.

“Thời gian chờ trung bình để cấy ghép gan là 1 tuần”, ảnh chụp website của bệnh viện Đại học Quân y Số 2 Trung Quốc. Thông tin này đã bị xóa sau khi kết quả điều tra về mổ cắp nội tạng được công bố năm 2006.

Theo ông David Kilgour, cựu ngoại trưởng Canada phụ trách châu Á Thái Bình Dương, mổ cắp nội tạng tử tù tại Trung Quốc “khiến bạn liên tưởng đến một nhà hàng mà bạn có thể đến và chọn tôm cua tươi sống từ trong bể nước. Nhưng trong trường hợp này đó là những con người đang sống”.

David Kilgour, cựu ngoại trưởng Canada phụ trách châu Á Thái Bình Dương.

Ngành kinh doanh triệu đô béo bở

Bảng giá của Mạng cấy ghép nội tạng toàn cầu Trung Quốc công khai với công chúng.

Nhìn sơ qua bảng giá nội tạng do Mạng cấy ghép nội tạng toàn cầu Trung Quốc công bố, ước tính với 7.000 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng được thực hiện mỗi năm thì doanh thu từ thị trường chợ đen kinh doanh nội tạng này mang lại cho Trung Quốc hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Châu Xuân – CTV TinhHoa.net