Tinh Hoa

Bức “Thư ngỏ” gửi VTV gây xôn xao về “Tháp truyền hình cao nhất thế giới”

Trong khi dư luận đang xôn xao về hai dự án đốn hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội và lấp sông Đồng Nai, thì mới đây trên mạng lại nổi lên một “Thư ngỏ” với 45 người ký tên gửi Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về việc xây dựng “Tháp truyền hình cao nhất thế giới” có nội dung như sau:

Hiện Tokyo Sky Tree là tháp truyền hình cao nhất thế giới với chiều cao 634m.

Kính thưa ông Tổng giám đốc,

Dư luận cả nước và thế giới đang vô cùng kinh ngạc nếu không muốn nói là phẫn nộ về việc Việt Nam tàn sát môi trường bằng chiến dịch chặt cây lâu năm trên các đường phố Hà Nội và dự án lấp sông Đồng Nai xây khu đô thị mới, thì lại rộn lên về dự án Tháp truyền hình… “cao nhất thế giới”!

Đông đảo người dân đã phản ứng trước hội chứng “nhất thế giới”, “nhất châu Á”, “nhất Đông Nam Á” từ chiếc bánh chưng, tô hủ tiếu, cho đến pho tượng Phật, ngôi chùa, đài kỷ niệm… nay không khỏi hoài nghi Tháp truyền hình sắp xây tổn phí khoảng 1 tỷ đô la liệu có công dụng thiết thực hay chỉ tô đậm thêm bộ mặt hãnh tiến của một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, đang chật vật cầu mong ngoại viện để ra khỏi cơn khủng hoảng kinh tế, trong khi người dân còn vô cùng thiếu thốn về mọi mặt, từ cái ăn hàng ngày đến trường học cho trẻ em, giường bệnh cho người đau ốm.

Chỉ nói về mặt công nghệ, nhiều chuyên gia đầu ngành, bao gồm những người từng ở cương vị lãnh đạo của ngành thông tin truyền thông, cũng không thấy được lý do chính đáng để Việt Nam phải xây một tháp truyền hình mới “cao nhất thế giới”!

Vì vậy, chúng tôi, những người tham gia truyền thông và những người quan tâm đến truyền thông quốc gia, xin gửi đến ông TGĐ mấy câu hỏi sau và yêu cầu ông trả lời công khai trước công luận:

1/ Tháp truyền hình tương lai có thực sự phục vụ yêu cầu phủ sóng toàn lãnh thổ trong khi nó chỉ phục vụ cho công nghệ analog, mà công nghệ này tới năm 2020 sẽ không được áp dụng trên diện rộng ở VN theo quy họach của ngành Truyền hình? Được biết hiện nay đa số chương trình truyền hình được truyền qua đường cáp và vệ tinh.

2/ Truyền hình dùng công nghệ analog có ưu điểm là phát sóng được tới các vùng xa xôi hẻo lánh với chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như qua vệ tinh. Nhưng địa hình nước ta dài nên nếu Tháp đặt tại Hà Nội thì chỉ Lào và Trung Quốc là tiếp nhận tốt. Có người đặt câu hỏi: hay VTV định dùng tháp này để truyền tiếp các đài truyền hình Trung Quốc chăng?

3/ Hiện nay 63 tỉnh thành đều có tháp truyền hình riêng. Chưa có nước nào trên thế giới mà mỗi tỉnh nhỏ đều có một đài truyền hình (hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cách nhau có 20km cũng có tháp truyền hình, phát thanh riêng). Vậy những đài truyền tiếp VTV ở các địa phương đã hoạt động hết công suất chưa? Đường trục cáp quang quân đội và VNTP có dung lượng rất lớn đã được sử dụng tối ưu chưa? Cần điều tra xem có bao nhiêu phần trăm người xem truyền hình đang dùng truyền hình cáp (có thông tin cho rằng phần lớn cư dân các đô thị đã chuyển sang dịch vụ này).

4/ Nếu những lý do chính trị, kinh tế, kỹ thuật để xây tháp truyền hình “cao nhất thế giới” đều không thuyết phục, phải chăng mục đích thật sự của Tháp truyền hình “cao nhất thế giới” là kinh doanh du lịch giải trí, hay quý đài còn ý đồ gì khác?

Xin ông TGĐ trả lời những câu hỏi trên. Nếu ông thấy khó trả lời hoặc trả lời không thuyết phục, thì mong ông, với lòng tự trọng của một người có trách nhiệm cao của bộ máy truyền thông nước nhà, hãy cho dừng ngay dự án “cao nhất thế giới” này trước khi nó trở thành điều “bị chê cười nhất thế giới”.

Kính chúc ông dồi dào sức khỏe và minh mẫn.”

Theo BBC