Cây cầu được xây dựng với hình dáng khá kỳ lạ và gây mâu thuẫn. Nhưng liệu có ý đồ gì ở đây chăng?
Cư dân mạng quả thực không bao giờ chịu yên bất kỳ giây phút nào, khi lúc nào cũng có thể xuất hiện những chuyện khiến tất cả phải dậy sóng.
Mới đây cũng vậy, các trang mạng xã hội đang lan truyền rất nhanh bức ảnh về một cây cầu có hình dạng khá khó hiểu, kèm theo một dấu hỏi chấm to tướng giữa màn hình.
Được biết, đây là cây cầu vượt Raiwind tại Lahore, Pakistan, mới hoàn thành vào tháng 4/2017. Cây cầu được đánh giá khá tốt về mặt hoàn thiện và chất lượng đường, nhưng lại gây thắc mắc về hình dạng của nó.
Cụ thể, nhiều người tự hỏi vì sao cây cầu không được xây thẳng theo hướng 2 gạch đỏ trong hình, mà phải thành một đường vòng? Chẳng phải xây như vậy sẽ tốn nhiều chi phí hơn sao? Thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi về… tình trạng đầu óc của kỹ sư khi thực hiện bản thiết kế cho cây cầu nữa.
Nhưng sự thật thì, tất cả đều có nguyên nhân
Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ đường ray phía bên trái bức ảnh. Trước tiên phải hiểu rằng cầu vượt ra đời là để giảm ùn tắc giao thông, và một trong những nguyên nhân gây tắc đường chính là khi các phương tiện phải ngừng lại cho tàu hỏa chạy qua.
Vậy là cây cầu sẽ phải xây với chiều cao vượt hơn so với đoàn tàu ở một khoảng cách an toàn. Nhưng với chiều cao ấy, nếu xây cầu thẳng sẽ tạo ra một độ dốc khá lớn.
Thế nên có thể hiểu đoạn đường vòng kia nhằm giúp cho không gian đoàn tàu phía dưới được thoải mái và an toàn hơn, đồng thời hạ độ cao cho các phương tiện một cách từ từ, không bắt lái xe phải đối mặt với một con dốc quá lớn.
Theo một số ý kiến đánh giá, đây là một quy chuẩn an toàn cần thiết vì con đường phía bên phải cầu dường như là đường 2 chiều – tức là có mật độ giao thông khá lớn. Con đường vòng sẽ giúp các phương tiện giảm tốc độ và tránh ùn tắc hơn.
Ngoài ra một số ý kiến còn chỉ ra rằng cách xây cầu như vậy là một bước tính toán trước nếu muốn xây thêm các đường ray thương mại trong tương lai.
Theo genk
>>> Vì sao người Do Thái vốn thông minh nhưng phải sống lang bạt suốt 2.000 năm?