“Khi quý vị đi gặp bác sĩ, có những chỉ số quan trọng mà quý vị nên nhớ vì những con số này, cho dù quý vị đi đâu, khám BS nào, đều sẽ cho bác sĩ của quý vị biết về tình trạng bệnh của quý vị”, BS. Huỳnh Wynn Trần chia sẻ.
Các nghiên cứu chỉ ra một người trung bình có thể nhớ từ đến 7 đến 10 con số. Nhiều quý vị nhớ số an sinh xã hội, số tiền trong ngân hàng, số nợ mình (và bạn bè mượn) của mình, vậy tại sao chúng ta không tập nhớ 5+ chỉ số sức khoẻ cực kỳ quan trọng này và hỏi bác sĩ của mình mỗi lần khám bệnh xem các chỉ số này có ổn định hay không.
1. Chỉ số Ha1c (Hba1c)
Là chỉ số về bệnh tiểu đường. Chỉ số này dùng để chẩn đoán và theo dõi bệnh tiểu đường. Số Ha1c 6.5% trở lên là chẩn đoán tiểu đường loại 2. Trong khi đó, theo dõi chỉ số Ha1c cho người đã bị tiểu đường theo thời gian sẽ cho thấy bệnh có kiểm soát được hay không.
Thường chỉ số Ha1c dưới 7% cho thấy bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt trong khi khoảng 7% đến 8.5% cho thấy cần được chỉnh thuốc, trên 8.5% là không kiểm soát và trên 10% là mất kiểm soát hoàn toàn.
Quý vị nào bị tiểu đường nên nhớ chỉ số Ha1c của mình vì con số này (thường là xét nghiệm mỗi 3 đến 6 tháng một lần) sẽ cho BS biết ngay tình trạng tiểu đường của quý vị.
2. Huyết áp và nhịp tim
Là chỉ số quan trọng mà quý vị hay quên, thường bệnh nhân chỉ đo huyết áp và nhịp tim khi đến khám BS. Thực tế, đo huyết áp chính xác nhất là tại nhà, khi quý vị ngồi nghỉ, và đo cùng một thời điểm ví dụ như buổi chiều. Đo huyết áp thường xuyên chẳng những chỉ ra được quý vị có mắc bệnh cao huyết áp mà còn theo dõi xem việc uống thuốc huyết áp có hiệu quả hay không. Đo huyết áp tại phòng mạch thường cao hơn do quý vị lo, hồi hộp, hay là do hội chứng cao huyết áp do gặp BS (white coat hypertension).
Vì vậy, quý vị nên đo huyết áp (HA) tại nhà ít nhất mỗi ngày một lần nếu bị cao huyết áp. Ghi nhớ con số trung bình và nhịp tim. Có 3 chỉ số khi đo huyết áp là huyết áp khi tim co bóp (chỉ số cao, huyết áp tâm thu), huyết áp khi tim thư giãn (chỉ số thấp, huyết áp tâm trương), và nhịp tim.
Chỉ số HA cao là chỉ số quan trọng hơn, nhưng chỉ số HA thấp cũng không được coi thường. Huyết áp bình thường là 120/80 và HA trên 130/90 được xem là cao huyết áp. Nhịp tim thường là 60 đến 100.
Nhớ HA của mình và nhớ cả nhịp tim của mình (ví dụ như HA đo ở nhà là 138/90 và nhịp tim là 90).
3. Cân nặng và chiều cao
Thường hai chỉ số này ít thay đổi nên quý vị có thể nhớ dễ dàng. Quý vị nào đi tập thể dục thường xuyên sẽ nhớ rõ 2 chỉ số này. Tăng cân là chỉ báo nhiều bệnh tiềm ẩn như tiểu đường và cao huyết áp. Với người lớn tuổi, giảm cân không mong muốn cũng là một dấu hiệu cần kiểm tra sức khoẻ. Giảm chiều cao cũng là một dấu hiệu nguy hiểm của loãng xương (do vỡ xương cột sống).
4. Chỉ số thận GFR và Cr
Với người bệnh thận, cao huyết áp, và tiểu đường thì chỉ số lọc cầu thận (GFR) và chỉ số Cr. (Creatinine) là hai chỉ số quan trọng để biết sức khoẻ của thận. Thường chỉ số GFR cho biết tốc độ lọc của thận là bao nhiêu. Chỉ số GFR trung bình là trên 90. Người càng lớn tuổi thì chỉ sồ GFR càng thấp.
Chỉ số GFR cũng chỉ ra giai đoạn suy thận của quý vị (suy thận càng nặng thì tốc độ lọc càng giảm, khi GFR còn khoảng 5-10 thì bệnh nhân cần được chạy thận). Chỉ số Cr. là một chỉ số gợi ý chất thải Cr. tích tụ trong cơ thể do thận không lọc được (do bị suy thận). Thường GFR càng giảm thì Cr. càng tăng.
5. Chỉ số loãng xương DEXA (BMD)
Phụ nữ trên 65 tuổi (nam trên 70 tuổi( hoặc có các rủi ro về bệnh loãng xương nên đi chụp DEXA (T score) xem độ rỗng xương của mình. Thường chỉ số DEXA T score dưới -2.5 ( ví dụ như -3.0) là chẩn đoán của loãng xương. Chỉ số T score này so sánh xương của quý vị với một người bình thường 30 tuổi xem xương quý vị xa ra (bị loãng đi) như thế nào.
Với bệnh nhân đang trị liệu loãng xương thì càng nên nhớ chỉ số DEXA của mình để xem trị liệu có hiệu quả hay không. Thường trị liệu hiệu quả khi chỉ số DEXA ổn định hoặc cải thiện. Thường DEXA sẽ chụp 2 năm một lần.
6. Chỉ số vitamin D (25-hydroxy vitamin D)
Vitamin D là thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch, có tác dụng bảo vệ cơ thể trước nhiễm trùng virus và vi khuẩn. Vitamin D còn là thành phần quan trọng trong hấp thu Calcium và sức khoẻ của xương. Vì vậy, kiểm tra lượng vitamin D thường xuyên và bổ sung ngay khi cần.
Mức vitamin D bình thường ở người khoẻ mạnh là 30-50 ng/ml. Dưới 12 được xem là thiếu và khoảng 12-30 là cần bổ sung. Với bệnh loãng xương và phụ nữ sau 50 tuổi, vitamin D càng quan trọng hơn.
7. Quý vị uống bao nhiêu thuốc mỗi ngày
Đây không hẳn là một chỉ số nhưng đây là một câu hỏi tôi hay hỏi các quý vị lớn tuổi khi quý vị không nhớ chính xác mình uống bao nhiêu thứ và bao nhiêu loại nào. Thường uống 1-3 thuốc mỗi ngày sẽ ít rủi ro hơn 4-6 loại. Định nghĩa dùng nhiều thuốc polypharmacy (và chẩn đoán) thường là dùng ít nhất 5 loại thuốc mỗi ngày.
Khi quý vị dùng 5 loại mỗi ngày thì tác dụng thuốc sẽ giảm và sự tương tác sẽ tăng. Vì vậy, thảo luận với BS và DS lâm sàng để xem quý vị có thể giảm hoặc tối ưu hoá thuốc uống hay không.
8. Quý vị khám bao nhiêu bác sĩ trong năm nay?
Việc đi bao nhiêu loại bác sĩ trong một năm cũng có thể nói lên tình hình sức khoẻ của quý vị. Nhớ giữ các hồ sơ và chẩn đoán khi đi BS chuyên khoa vì nhiều khả năng BS gia đình của quý vị không nhận được hết các hội chẩn chuyên khoa gởi về.
Tham khảo:
- https://www.diabetes.org/a1c/diagnosis
- https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure
- https://www.cdc.gov/…/english_bmi_calcu…/bmi_calculator.html
- https://www.kidney.org/…/cont…/understanding-your-lab-values
- https://www.rheumatology.org/…/Bone-Density-Measurement-Rhe…
Phó giáo sư – bác sĩ Huỳnh Wynn Trần (tên thật là Trần Huỳnh, SN 1979 tại Bạc Liêu) là bác sĩ nội trú chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đại học University of Florida, bác sĩ nội trú chuyên khoa nội tổng quát Bệnh viện St Joseph Mercy Health. Đồng thời, anh cũng là tác giả của cuốn sách “Từ kiến trúc sư thành bác sĩ tại Hoa Kỳ”, nhà sáng lập của tổ chức VietMD và Wynn Medical Center.
Xem bài viết gốc tại đây
Đăng dưới sự cho phép của tác giả.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của BBT Tinhhoa.net.