Khoảng 20h tối qua (4/12), thông tin Thủ tướng quyết định dừng thu phí một đến hai tháng tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) được công bố trên các phương tiện truyền thông, hàng trăm tài xế, người dân quanh trạm mang loa xuống đường reo hò ăn mừng.
Dòng người diễu hành bắt đầu từ quán cà phê ở gần trạm, sau đó băng qua trạm rồi kéo về tập trung ở phía trước trung tâm điều hành BOT Cai Lậy, mở nhạc, hát hò, sau đó quay trở lại.
Một số tài xế đi ngang qua khu vực trạm cũng bóp còi inh ỏi hưởng ứng. “Việc Chính phủ cho tạm dừng trạm để xem xét lại là một tin vui, chứng tỏ những kiến nghị của chúng tôi về sự bất hợp lý của trạm BOT Cai Lậy đã được quan tâm”, tài xế Ngô Văn Linh nói.
17h hôm qua (4/11) hàng chục tài xế đỗ ôtô cách trạm BOT Cai Lậy khoảng 100m để ăn uống, chờ thông tin từ Trung ương. “Chúng tôi nghe tin Chính phủ họp bàn liên quan đến trạm BOT Cai Lậy nên tạm bỏ công việc đến nghe ngóng, hy vọng sẽ xả trạm”, tài xế Lê Thanh Tuấn cho biết.
Ông Huỳnh Hoàng Dư, một người dân sống cạnh trạm cũng ngán ngẩm cho hay từ lúc trạm này dựng lên, các tài xế liên tục phản đối, ngày nào cũng xảy ra nạn kẹt xe, khói bụi, tiếng ồn khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
“Tình trạng này kéo dài đã 3 tháng nay. Hy vọng lần này nhà nước sẽ giải quyết dứt điểm để an ninh tại địa phương được ổn định”, ông Dư nói.
Vào lúc 21h, trong khi nhóm tài xế, người dân kết thúc xuống đường ăn mừng, hơn mười nữ nhân viên trạm thu phí cũng tươi cười rời khỏi cabin sau nhiều ngày làm việc vất vả trước áp lực “mưa tiền lẻ” của các tài xế.
Tại trạm hiện chỉ còn khoảng 5,6 bảo vệ nam. “Tạm thời các nữ nhân viên thu phí được nghỉ, chỉ còn bảo vệ trực chốt. Trong suốt 3 tháng ròng, đêm nay là đêm thoải mái nhất của chúng tôi”, một nhân viên bảo vệ tươi cười nói.
Tuy nhiên, không ít ý kiến vẫn băn khoăn. Tài xế Minh Trí, ngụ tại thị xã Cai Lậy, cho biết trước kia trạm đã tạm ngưng hơn 3 tháng mà vẫn thu trở lại.
“Chúng tôi đang lo lắng vì có thể 1-2 tháng tới, chủ đầu tư tìm cách đối phó tài xế và cho trạm hoạt động lại. Bà con và tài xế mong muốn cuối cùng là phải dời trạm về đường tránh, trả lại Quốc lộ 1 cho người dân” – anh Trí bày tỏ.
Tài xế Nguyễn Văn An (40 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) cho biết, hay tin BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí nên anh đã đến chia vui cùng đồng nghiệp.
“Không biết ngành chức năng sắp tới sẽ xử lý trạm BOT Cai Lậy như thế nào, nhưng đó là tín hiệu vui”, anh An nói.
Tài xế Nguyễn Thành Lộc (ngụ TP.HCM) nói: “Chúng tôi mong ngành chức năng sớm làm rõ và kết thúc việc này, có hướng xử lý phù hợp”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc (40 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy) cho rằng, cuộc sống của người dân địa phương trong mấy ngày qua bị đảo lộn, bà mong cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm.
Trước đó, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện dự án BOT Cai Lậy; dừng thu phí trong một đến hai tháng với dự án này để Bộ Giao thông và các bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cụ thể.
“Nội dung đánh giá gồm việc đầu tư ra sao, chấp hành quy định pháp luật như thế nào. Sau khi Bộ Giao thông báo cáo, Thủ tướng sẽ có quyết định cuối cùng về trạm BOT Cai Lậy”, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.
Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, trong 5 ngày qua, đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do phản ứng từ tài xế gây ùn tắc giao thông nghiem trọng. Họ đưa tiền lẻ 25.100 đồng, đòi thối 100 đồng hoặc đưa tiền mệnh giá lớn để trả phí.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa Quốc lộ 1 dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Chúc Di (t/h)