Trước thông tin rằng trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại trong tháng 10 này, nhiều người dân và doanh nghiệp đã bày tỏ thái độ không đồng tình, thậm chí nhiều tài xế còn lên Facebook thông báo sẽ tiếp tục “cuộc chiến tiền lẻ”.
Ngày 9/10, ông Nguyễn Phú Hiệp – giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy – cho biết vẫn chưa nhận được bản hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư với Bộ GTVT. Do đó, chưa biết ngày nào trong tháng 10 sẽ thu phí trở lại sau gần 2 tháng tạm dừng.
Trong khi đó, ông Lưu Văn Hào – Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang – cho rằng văn bản đã ký sẽ sớm được triển khai. Sở dĩ chưa xác định được ngày chính xác để thu phí trở lại là do tỉnh Tiền Giang chưa sắp xếp lịch để triển khai quy chế phối hợp.
Trước đó, Bộ GTVT cùng liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái – Công ty CP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 và Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang đã ký phụ lục hợp đồng BOT số 5 về việc điều chỉnh việc thu phí. Theo đó, Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thống nhất giảm giá dịch vụ khoảng 30% cho tất cả phương tiện.
Cụ thể, mức thu phí qua trạm BOT Cai Lậy thấp nhất 25.000 đồng/lượt (mức cũ 35.000 đồng/lượt) cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; cao nhất 140.000 đồng/lượt (mức cũ 180.000 đồng) cho xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet; vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt.
Người dân không kinh doanh vận tải tại 4 xã sống gần trạm thu phí là Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy sẽ được miễn phí qua trạm.
Ông Đặng Thành Lâm, chủ doanh nghiệp tư nhân Tám Lập ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, cho biết đến giờ ông vẫn chưa nghe phía chủ đầu tư thông báo hay có quyết định gì về việc giảm giá đối với số xe của doanh nghiệp mình.
Ông nói thêm dù có giảm giá bản thân ông cũng không hài lòng về quy định mới. Theo ông Lâm, phải dời trạm thu phí về tuyến tránh, bởi mỗi ngày đoàn xe của ông chạy trên quốc lộ 1 chỉ vài cây số nhưng phải đóng phí gần 10 triệu đồng. Như vậy là quá bất hợp lý.
Trong khi đó, một số tài xế thuộc một diễn đàn trên mạng xã hội cho biết sẽ tiếp tục “cuộc chiến” tiền lẻ nếu trạm thu phí BOT Cai Lậy thu phí trở lại.
Đại tá trương Văn Sáng – trưởng Công an huyện Cai Lậy – cũng xác nhận chưa có thông tin chính thức nào về việc thu phí trở lại ở trạm thu phí BOT cai Lậy.
Trong ngày 9/10, tại các cabin trạm thu phí BOT Cai Lậy, chỉ có một nhân viên bảo vệ mắc võng canh chừng, các bảng thông báo về mức giá thu phí vẫn còn nguyên mức cũ. Các phương tiện qua lại bình thường.
Trạm thu phí Cai Lậy bị phản đối từ trước khi chính thức hoạt động, và việc các tài xế phản đối trở nên quyết liệt hơn khi trạm này bắt đầu thu phí từ ngày 1/8. Các tài xế phản ứng vì cho rằng mức phí cao, trạm đặt sai vị trí và để phản đối, họ sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để mua vé, khiến thời gian qua trạm kéo dài, dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ngày 15/8, chủ đầu tư đã quyết định tạm dừng thu phí phương tiện.
Ngoài trạm Cai Lậy, hiện còn có trạm BOT Biên Hoà (Đồng Nai) phải tạm ngừng hoạt động vì tài xế dùng tiền lẻ. Trước đó, trạm thu phí ở Văn Lâm, Hưng Yên cũng có hiện tượng trả tiền lẻ nhưng không bị ảnh hưởng nhiều.
TinhHoa tổng hợp