Tinh Hoa

“Bom hẹn giờ” khủng khiếp nhất Trái đất có thể bùng nổ sớm, thổi bay mọi sự sống

Các nhà khoa học đang làm việc quanh công viên quốc gia Yellowstone ở Mỹ cảnh báo siêu núi lửa nằm dưới điểm du lịch này, được ví là một trong 4 “quả bom hẹn giờ” khủng khiếp nhất Trái đất, có thể sẽ sớm bùng nổ và thổi bay mọi sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Suối nước nóng Grand Prismatic ở Vườn Quốc gia Yellowstone, bang Wyoming, Mỹ là một trong số các địa điểm thủy nhiệt do siêu núi lửa tạo ra. (Ảnh: AP)

Theo Daily Mail, siêu núi lửa Yellowstone, được ví là một trong 4 “quả bom hẹn giờ” khủng khiếp nhất Trái đất đã chìm vào giấu ngủ sâu trong 631.000 năm qua. Các nhà khoa học ngày nay đang tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra khiến siêu núi lửa này phun trào lần cuối cùng.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Arizona, Mỹ đã công bố phát hiện mới về Yellowstone trong một hội nghị nghiên cứu núi lửa gần đây. Trang National Geographic cho biết, họ đã phân tích mẫu đất đá ở núi lửa Yellowstone, bao gồm các hóa thạch từ lần cuối cùng siêu núi lửa này phun trào, và phát hiện những thay đổi về nhiệt độ và thành phần có thể chỉ bắt đầu từ vài thập kỷ, báo động rằng siêu núi lửa Yellowstone sẽ sớm tỉnh giấc, gần hơn nhiều so với dự đoán.

Cụ thể, lượng magma bên dưới Yellowstone không ngừng gia tăng và phun trào ngay sau vài thập kỷ. Trước đó, một nghiên cứu năm 2011 cho thấy mặt đất phía trên hồ chứa magma ở Yellowstone đã dày lên khoảng 25 cm trong 7 năm.

Bob Smith, chuyên gia về núi lửa Yellowstone thuộc trường Đại học Utah, cho biết: “Đây là một sự tăng lên bất thường bởi nó bao phủ một khu vực rộng lớn với tỷ lệ rất cao“. Các nghiên cứu trước đây cho rằng, quá trình biến đổi địa chất như vậy phải mất tới hàng ngàn năm.

Các địa điểm khác của công viên quốc gia Mỹ như cột nước nóng kì lạ Old Faithful và hồ nước nóng Grand Prismatic Spring, những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới đều là dấu hiệu cho thấy có một hồ chứa magma khổng lồ đang hoạt động bên dưới.

Nhà nghiên cứu Christy Till nói: “Chúng tôi từng dự đoán siêu núi lửa phải mất hàng ngàn năm để phun trào. Nhưng trên thực tế, sự thay đổi nhiệt độ, thành phần hóa học trong lần cuối siêu núi lửa phun trào diễn ra khá nhanh“.

Theo New York Times, các nhà nghiên cứu xác định siêu núi lửa này có khả năng tạo ra hơn 1.000 km khối đá và tro bụi – gấp 2.500 lần vật chất so với vụ phun trào núi lửa St. Helens năm 1980, sự kiện có thể bao phủ phần lớn nước Mỹ trong tro bụi và khiến Trái đất rơi vào “mùa đông núi lửa”.

Siêu núi lửa Yellowstone có khả năng phun ra hơn 1.000 km3 đá và tro bụi. (Ảnh: ESA / AOES)

Giả thuyết về vụ phun trào xảy ra sớm hơn dự kiến được Hannah Shamloo và một số đồng nghiệp đưa ra sau vài tuần nghiên cứu tại Lava Creek Tuff của Yellowstone, mỏ khoáng chất hóa thạch từ vụ phun trào trước đây.

Thật bất ngờ khi nhận ra siêu núi lửa chỉ cần khoảng thời gian ngắn để chuyển từ trạng thái ngủ yên đến bờ vực gây ra thảm họa”, Hannah Shamloo, tác giả nghiên cứu nói. Cô cũng cảnh báo rằng, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để đưa ra kết luận rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mới sẽ giúp xác định chính xác thời điểm “quả bom hẹn giờ” đe dọa Trái đất phát nổ và từ đó đưa ra phương án đối phó.

Thông tin trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi người ta ghi nhận tới 2.475 trận động đất khác nhau xung quanh siêu núi lửa Yellowstone kể từ hồi tháng 6. Năm 1985, khu vực xung quanh siêu núi lửa này từng ghi nhận 3.000 trận động đất lớn nhỏ chỉ trong vòng 3 tháng.

Các nhà khoa học nói số lượng trận động đất ở Yellowstone đang giảm đi rõ rệt. Nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng hoạt động biến đổi địa chất tại khu vực này đã kết thúc.

TinhHoa tổng hợp