Tinh Hoa

Bốc thăm xác minh tài sản: Quan chức mắc bệnh hiểm nghèo không cần xác minh

Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản quy định một số trường hợp sẽ không lựa chọn để xác minh như những người đang bị điều tra, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên,…

Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái, từng được xác định là vi phạm về kê khai tài sản. (Ảnh: baogiaothong.vn)

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo. Nội dung đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Được biết, dự thảo Nghị định này là cụ thể hóa Luật phòng chống tham nhũng (có hiệu lực từ ngày 20/11/2018).

Theo đó, ngoài việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ có dấu hiệu tham nhũng; sẽ xác minh ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm, hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên đối với các cơ quan có cán bộ trong diện kê khai tài sản. Tuy nhiên, sẽ không xác minh các nhóm người đang bị điều tra, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên,…

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát, sẽ lựa chọn số người được xác minh phù hợp nhưng không ít hơn 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch. Đáng chú ý, có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đối tượng được xác minh.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa vào kế hoạch xác minh hằng năm tối thiểu bằng 10% số cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền kiểm soát; đối với nhóm còn lại, đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 20%.

Trước đó, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã đưa ra lưu ý đối với dự thảo Nghị định này như sau:

“Lâu nay chúng ta cứ để mặc cán bộ kê khai thế nào thì kê khai và mang nặng tính hình thức, khai xong chủ yếu cất vào tủ khóa kỹ. Quản lý tài sản cán bộ thì phải có xác minh, chứ lâu nay ai cũng kê khai nhưng kê khai xong, đọc lên toàn thấy người nghèo, hồ sơ kê khai thấy ngoài lương cán bộ không có gì.

Nếu kê khai vẫn theo hình thức tự kê khai, kiểm tra cũng dựa trên bản kê khai do cán bộ, lãnh đạo tự kê rồi nộp về thì không giải quyết được gì. Bốc thăm, dùng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên để chọn người xác minh, nếu cần phải kiểm tra để xem họ kê khai có đúng không”.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về mức độ bị xử lý cảnh cáo, miễn nhiệm; giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc… đối với người chậm trễ, gian dối khi thực hiện nhiệm vụ kê khai tài sản.

Từ Thức (t/h)