Thật khó tin khi người đàn ông với 2 bằng Thạc sĩ, lớn lên ở New York lại có thể dễ dàng trở thành thành viên của lực lượng khủng bố. May mắn là điều này đã không xảy đến với A’amash, một người Mỹ gốc Pakistan. Dưới đây là những bộc bạch của anh về câu chuyện “suýt trở thành khủng bố”.
Nếu gặp đúng kẻ tuyển dụng chính hiệu và vào đúng thời điểm, A’amash đã có thể trở thành một thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ra đi chiến đấu cho một mục tiêu xa xôi nào đó không ai lường trước.
A’amash (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, để râu, ăn vận theo trang phục truyền thống Trung Đông, mùi thơm nhẹ từ thứ nước hoa đặc trưng Hồi giáo, giờ đây vẫn còn có cơ hội ngồi xuống thổ lộ những kinh nghiệm bản thân cùng phóng viên báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Trung tâm phòng chống khủng bố Mỹ thống kê, chỉ trong tháng 3/2015 vừa qua, ít nhất 150 công dân Mỹ đã cố du lịch hay xuất ngoại đến Syria nhằm gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo, nhằm trở thành các chiến binh ISIS thuộc nhóm ‘ngoại quốc’.
Các nhà chức trách Mỹ đã gia tăng kiểm soát và bắt giữ các trường hợp có ý định gia nhập và hỗ trợ lực lượng này, trong đó bốn người đàn ông ở Brooklyn, hai phụ nữ ở Queens có ý định chế tạo bom tự chế tại nhà.
Nusrat Qadir, người đại diện cho cộng đồng Hồi giáo Ahmadiyya, Mỹ phát biểu đắn đo:
“Tại sao có người lại muốn đánh đổi tự do của mình để đi gây họa? Nhất định phải có nội tình gì bên trong khiến hai phụ nữ trên muốn từ bỏ những thứ không ai dám nghĩ đến”.
A’amash, người suýt rơi vào hoàn cảnh tương tự, tin rằng mình biết câu trả lời, và anh lấy cuộc đời mình làm ví dụ.
Giàu vật chất nhưng thiếu hụt tinh thần
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Pakistan, A’amash được gửi sang học ở Anh Quốc, rồi đến Mỹ năm 19 tuổi, trở thành công dân nước này và có một cuộc sống vật chất đầy đủ. Rồi A’amash bỗng cảm thấy chúng vô vị, phù phiếm và muốn tìm kiếm thứ gì đó cho tinh thần, vốn bấy lâu nay cằn cỗi, thiếu thốn.
A’amash đặc biệt say mê với ý tưởng từ bỏ ràng buộc tiện nghi và vật chất để hướng tới đời sống với các giá trị tinh thần. Anh lao vào âm nhạc, rồi thử tìm đến các tôn giáo, thậm chí học cả chủ nghĩa vô thần một thời gian, nhưng chúng vẫn chưa thuyết phục được anh. Cuối cùng A’amash trở về Hồi giáo, nơi anh thấy mình phù hợp, thanh thản, để rồi hàng ngày đắm mình trong các đoạn kinh Koran.
A’amash cho biết, kinh Koran cần phải được đọc nguyên văn và hiểu đúng trong bối cảnh lịch sử, nếu ai đó đoạn chương thủ nghĩa, tách đoạn để dẫn chứng, chúng sẽ dễ bị hiểu sai và bị dùng vào mục đích biện minh cho bạo lực.
Trong kinh Koran có những đoạn nói về chiến đấu, nhưng đó không phải thứ chiến đấu theo ý những phần tử cực đoan dùng vào mục đích khủng bố.
Hầu hết người Hồi giáo không hiểu nổi nghĩa đen của sách kinh, họ chỉ cố gắng hiểu chúng theo ý ẩn dụ, vì hoàn cảnh trong kinh Koran đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay.
Suýt trở thành tay khủng bố
Khi mới tiếp xúc với thế giới Hồi giáo và hiểu các nguyên lý kinh Koran một cách nông cạn, thiển cận, một người có thể dễ dàng bị dẫn dụ vào các mục tiêu cực đoan và bị chiêu mộ bởi đường dây khủng bố.
A’amash cho biết, nếu là trước đây, anh có thể đã hào hứng gia nhập vào lực lượng này nếu gặp đúng tay chiêu mộ. “Tôi sẽ lên đường chiến đấu nếu nhận được lời kêu gọi của một ai đó. Còn về gia nhập lực lượng nào ư, chắc có lẽ không phải lực lượng của thủ lĩnh al-Baghdadi”, A’amash từng có ý muốn gia nhập Taliban vì nhóm này có vẻ như chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Hồi giáo chứ không tiến công và giết chóc như ISIS.
Tuy nhiên, một người chắc sẽ vỡ mộng khi đến nơi, bề ngoài họ là những phần tử bảo vệ tín ngưỡng, nhưng cuối cùng lại hành động như những bầy thú lẩn quẩn không hơn không kém.
Những công dân Mỹ đã ra đi để chiến đấu cho khủng bố, một khi bị vỡ mộng muốn quay về cũng khó có cơ hội, họ khó hòa nhập lại xã hội và chứng minh thân phận muốn hoàn lương của mình.
ISIS không phải Hồi giáo
A’amash bước ra từ cực đoan, cùng hàng nghìn tín đồ Hồi giáo khác ở Mỹ hiện đang tích cực vận động để cảnh tỉnh thế giới Hồi giáo về những gì ISIS đang làm.
“Hiện nước Mỹ cũng đang gặp vấn đề đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan, việc chúng tôi làm là đưa ra các thông điệp giúp đỡ giới trẻ, những người Hồi giáo và không phải Hồi giáo hiểu rõ bản chất của ISIS”.
Hồi giáo dạy mỗi tín đồ là một chiến binh, bảo vệ những kẻ thế cô khi cần thiết, chứ không phải đi gieo rắc kinh hoàng và khủng bố như những gì ISIS đang làm.
Bruce Phan, theo Epoch Times